Ngày 26/9, động đất 6,5 độ kèm theo hơn 1.000 dư chấn đã xảy ra tại quần đảo Maluku khiến 37 người thiệt mạng và 135.000 người dân địa phương phải đến trú ngụ tại các lán trại tị nạn tạm thời.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết hơn 6.000 ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất này. Từ ngày 2/10, cơ quan chức năng đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, nhiều tin giả xuất hiện trên WhatsApp và các dịch vụ nhắn tin khác, loan truyền rằng động đất kèm sóng thần sắp xảy ra đã khiến người dân hoảng sợ, không dám về nhà.
Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa quốc gia – ông Agus Wibowo - cho biết tin giả khiến tình hình trở nên tồi tệ. Theo ông Wibowo, nhiều trường hợp mặc dù nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn nhưng họ lại không trở về ở bất chấp chính quyền đã ra sức thuyết phục rằng tình hình đã an toàn.
Người dân tại lán trại tị nạn ở Ambon. Ảnh: AP |
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường phải đối mặt với các trận động đất nghiêm trọng. Khu vực này có hình dạng như chiếc giày, trải dài trên diện tích 40.000 km2 và là nơi xảy ra đa số các vụ động đất trên thế giới. Một trong những khu vực thường xảy ra động đất nhất trên thế giới nằm trên diện tích trải dài từ Nhật Bản, Indonesia tới California và Nam Mỹ.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời nhà khí tượng học Allison Chinchar cho biết: “Kiến tạo mảng và Vành đai lửa là nguyên nhân chính khiến Indonesia thường xảy ra động đất và phun trào núi lửa”.
Năm 2018, trận động đất 7,5 độ kéo theo sóng thần xảy ra tại Palu trên đảo Sulawesi đã khiến trên 4.300 người mất tích và thiệt mạng.
Năm 2004, trận động đất 9,1 độ kèm theo sóng thần khiến 170.000 người tại Indonesia thiệt mạng.