Tò he ra phố

(Ngày Nay) - Giữa bão công nghệ 4.0, khi các món đồ chơi dân gian đang dần biến mất, thì tò he - món đồ chơi truyền thống được làm từ bột gạo nếp lại như hồi sinh trở lại. Dọc các con phố cổ, các khu hội chợ, các sự kiện văn hóa, các trường học, dễ bắt gặp những nghệ nhân với những con giống nhiều màu sắc thu hút sự chú ý không chỉ của các em nhỏ…
Các nghệ nhân làng Xuân La biểu diễn nặn tò he tại các sự kiện, lễ hội
Các nghệ nhân làng Xuân La biểu diễn nặn tò he tại các sự kiện, lễ hội

Nhưng với các nghệ nhân làm nghề này vẫn còn ngổn ngang những trăn trở, làm sao để chấn hưng nghề truyền thống? Làm sao để nghề tò he có một chỗ đứng, ngày càng nhiều nghệ nhân sống bằng nghề?

Thằng trầm nghề nặn tò he

Chúng tôi về gặp những nghệ nhân nặn tò he làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội – ngôi làng làm tò he duy nhất tại Việt Nam vào những ngày giáp Tết. Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công nhiệt tình giới thiệu về nghề mà ông đã gắn bó xấp xỉ số tuổi 70 của mình.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Chu Tiến Công,  nghề nặn tò he không rõ chính xác có từ khi nào, chỉ ước chừng khoảng trên dưới 300 năm.  Ngày xưa, tò he vốn được gọi là bánh chim cò, được làm bằng gạo nếp nên có thể ăn được, lại toàn nặn hình chim cò nên có tên như vậy. Rồi có một giai đoạn, trẻ con gắn thêm cái còi vào mỗi chiếc bánh chim cò, mỗi khi chúng thổi lên là phát ra tiếng “tò te tí te” nghe rất vui tai, cứ thế đọc chệch đi là tò he. Cái tên tò he ra đời từ đó thay thế cho tên bánh chim cò.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp trước khi thực hiện công cuộc đổi mới, nghề tò he tưởng như đã mất, bởi nguyên liệu chính làm tò he là gạo nếp vô cùng khan hiếm. Thời ấy, chỉ còn vài ba hộ ở làng Xuân La làm tò he cầm chừng, rồi gánh đi bán ở một số lễ hội quanh vùng.

Tưởng chừng như sau thời đổi mới, làng nghề tò he sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm tò he đã sẵn hơn, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng có nhiều nghề thu nhập cao để làm giàu, việc lựa chọn nghề truyền thống mưu sinh rất ít.

Ngay như gia đình ông Công, các con lớn lên cũng có xu hướng tìm đến các ngành kinh doanh để vực dậy kinh tế gia đình. Bản thân ông không ngăn cấm các con, nhưng luôn động viên, khích lệ các con giữ nghề nặn tò he như một nghề phụ để giữ nghề truyền thống, cũng như làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian.

Thực tế, dù nặn tò he không còn là nghề chính nhưng người dân trong làng Xuân La ai ai cũng thông thạo nghề này. Trẻ em trong mỗi gia đình đều được tiếp xúc với nghề ngay khi mới chập chững tập đi, được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho những kỹ thuật cơ bản như một nghề cha truyền con nối. Cứ thế, những đứa trẻ 4-5 tuổi đã biết nặn các hình thù đơn giản. Mỗi dịp rảnh rỗi hoặc lễ tết, hội làng, ai cũng có thể trổ tài với vài bông hoa, con thú.

Tò he ra phố ảnh 1

Tuy nhiên, theo người nghệ nhân già, nặn tò he tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Làm nghề này phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ. Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có linh hồn, cảm xúc thì không phải ai cũng làm được. Cầu kỳ là vậy nên theo ông, dạy một lớp 50 học sinh nhiều khi chỉ chọn may ra được 1-2 cháu.

Ngoài ra, công đoạn cần nhiều kỹ thuật nhất của nghề nặn tò he là trộn bột và phối màu. Bột nhào không chuẩn để sẽ khô, dẻo quá sẽ nát không thể nặn được. Còn phối màu phải chuẩn thì tò he mới sinh động. Màu được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, màu vàng thì dùng từ nghệ, màu đen dùng từ tro củi, màu đỏ dùng rau dền đỏ… Ngày nay, các nghệ nhân của làng Xuân la vẫn duy trì việc sử dụng màu tự nhiên để làm sản phẩm bởi đây là nét độc đáo của món đồ chơi này.

Bền bỉ giữ nghề

Đứng trước nguy cơ một làng nghề truyền thống đang dần bị mất đi, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết với nghề như nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công đã quyết định thử nghiệm, cố gắng tìm nhiều hướng đi mới để làng nghề được tiếp tục duy trì và phát triển.

Một trong những hướng đi ấy là thành lập nên Câu lạc bộ Tò he Xuân La. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2009 với số hội viên ban đầu là 54 người là những nghệ nhân trong làng, cùng chung tay giữ gìn và phát triển làng nghề do cha ông xưa để lại. Đến nay, số hội viên đã tăng lên là 119 người với những thành công bước đầu.

Tò he ra phố ảnh 2

Dù mỗi con to he bây giờ chỉ bán được 5 -7 nghìn đồng nhưng các nghệ nhân nơi đây vẫn rong ruổi tới các lễ hội và phố phường Hà Nội để “hàng nghề”, để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ngày xưa chơi cái gì, thông qua đó làm cho các cháu tự hào về truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Chu Tiến Công cho biết, hơn 40 năm qua,  ông cùng chiếc xe đạp khắp các ngõ ngách ở Hà Nội cũng như các lễ hội gần xa để hành nghề và cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích.

“Ở Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… đều có người được tôi chỉ cho cách làm, người nào nhanh chỉ 3 tháng là thành thạo, 6 tháng là điêu luyện, nhưng giờ tôi cũng không nhớ được tên tuổi của họ nữa” – ông Công cho biết.

Vào ngày chủ nhật, Nghệ nhân Chu Tiến Công thường mang đồ nghề ra Trường Mầm non Xuân La để dạy nghề miễn phí cho trẻ em trong làng. Nhìn lũ trẻ mê mẩn nặn, ghép,ông thấy vui vô cùng, bởi dù chưa hiểu được ý nghĩa làng nghề nhưng hứa hẹn sẽ là những “hạt giống" để lưu giữ làng nghề trong tương lai.

Ở làng Xuân La, ngoài những mái đầu bạc như ông Công đang bền bỉ giữ nghề,  nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La cũng đang kiên trì bền bỉ giữ nghề theo cách của người trẻ.

Cũng như những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê Xuân La, đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời anh Nguyễn Văn Thành là những quân tò he. Từ lúc còn bé tí, đã nhiều lần, Thành được bố đèo xe đạp lên Công viên Thủ Lệ để cùng bố bán hàng. Chứng kiến cảnh bố bán hàng, chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ khi nhận được món quà độc đáo, Thành đã có suy nghĩ: Làm thế nào để những con tò he cổ truyền "sống" được với cuộc sống đương đại từ rất sớm. Sau này, Thành đã tích cực tham gia công tác địa phương, làm Bí thư Đoàn xã Phượng Dực, rồi Bí thư Chi bộ thôn Xuân La, mỗi ngày, Thành càng thấy cần có trách nhiệm để bảo tồn, phát huy giá trị những con tò he, nghề nặn tò he của làng mình.

Không ngừng tìm hiểu, mày mò để làm sao tạo ra mẫu sản phẩm tò he tinh tế nhất, kỹ thuật nhất,  nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành từng bước trưởng thành trong nghề, được các nghệ nhân trong làng đánh giá cao về tài năng. Anh là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian".

Anh cũng là người đầu tiên và duy nhất khôi phục được các mẫu tò he cổ (mâm ngũ quả, ông tiến sĩ, 12 con giáp) cùng phương pháp “hấp” tò he.Để món đồ chơi được bền hơn, tò he sau khi nặn xong được cho vào hấp cách thuỷ, sấy khô rồi mới mang bán.

“Tò he ngày nay màu sắc đa dạng hơn, ngoài việc dùng hoa của quả trái cây tạo màu các nghệ nhân đã phối hợp màu thực phẩm cho sinh động hơn, tôi đang nghiên cứu sâu để làm sao tò he đảm bảo an toàn nhất, lành mạnh nhất, sản phẩm tạo ra không chỉ hiện đại mà phải đảm bảo được những nét cổ xưa của tò he cổ-bánh chim cò” – Anh Thành chia sẻ

Vừa khôi phục các mẫu tò he cổ, anh Thành vừa quyết tâm đưa tò he trở thành thứ đồ chơi có thể hòa mình vào thế giới hiện đại. Anh mở ra những lớp hướng dẫn người dân nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình yêu thích như: Minions, chuột Mickey, Tôn Ngộ Không…  Anh cũng tiên phong đưa tò he vào học đường bằng cách phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn thành phố như: Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Dremhuose, Trường Mầm non Sơn Ca, Hoa Hồng... để giới thiệu, hướng dẫn các em tập làm tò he.

Với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, những quân tò xe xinh xắn độc đáo của làng Xuân La đã không ít lần có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Tự hào là vậy, song những nghệ nặn tò he làng Xuân La vẫn không thôi trăn trở. Bởi không giống như những nghề truyền thống khác, do đặc thù nghề nghiệp là các quân tò he không để được lâu, người thợ phải nặn tại chỗ cho khách mua hàng nên người thợ nặn tò he thường phải "lưu động" tác nghiệp tại các lễ hội, các khu vui chơi giải trí, chỗ đông người... Vì vậy, đôi khi, nghề nặn tò he vẫn bị coi là nghề bán rong nên chưa coi trọng và chưa được dành chỗ xứng đáng trong những không gian như lễ hội, các di tích, danh thắng để có thể phát triển.

Trong khi đó, nếu đưa tò he vào cửa hàng, cửa hiệu thì vừa gặp khó khăn về kinh phí thuê mặt bằng, lại vừa mất đi tính sống động của một nét văn hóa dân gian. Như vậy, lượng người mua sẽ giảm.

Bởi vậy, các nghệ nhân  mong muốn, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn, tạo điều kiện cho người thợ làng Xuân La có điều kiện làm nghề tại các khu di tích. Còn về định hướng phát triển lâu dài của làng nghề, Chủ tịch CLB Tò he Xuân La Nguyễn Văn Thành chia sẻ, sau khi xã Phượng Dực hoàn thành được chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện lúc đó Câu lạc bộ sẽ xúc tiến chương trình phát triển du lịch làng nghề".

Anh Thành cho biết thêm, hiện một số tổ chức đã có ý tưởng phối hợp Chi hội Di sản văn hóa Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La để triển khai ý tưởng này. Điều này mở ra hy vọng về bước phát triển mới của nghề nặn tò he trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.