Theo BTC, Festival Huế 2018 là nơi mở ra nhiều cơ hội để công chúng, người dân, du khách có điều kiện đến tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận |
Diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5, Festival Huế 2018 quy tụ 1.296 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, 510 diễn viên không chuyên ở TT-Huế tham gia biểu diễn tại 38 chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam, với 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ Việt Nam; cùng với 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia trên thế giới.
Một trong những điểm nhấn tạo nên khác biệt của Festival Huế đối với các festival nghệ thuật khác, đó là thông qua các kỳ Festival Huế, Việt Nam nói chung và TT-Huế nói riêng giới thiệu với quốc tế về tài nguyên di sản, những bản sắc vùng miền của mình một cách sắc nét, sống động nhất. Quần thể di tích kiến trúc Cung đình Huế cùng với các di sản thế giới tại Huế chính là hạt nhân gắn kết nhiều nội dung hoạt động của Festival Huế lần này.
Tái hiện không khí lễ hội đất Cố đô và nhiều vùng miền trong cả nước |
Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2018, điều đặc biệt của Festival Huế 2018 đó là nơi mở ra nhiều cơ hội để công chúng, người dân, du khách có điều kiện đến tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Ngoài ra, Huế cùng với 9 tỉnh, thành miền Trung còn đồng chủ sở hữu một di sản phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật bài Chòi...
Không chỉ những di sản vật thể, phi vật thể đã được công nhận của Huế có dịp được “trình làng”, quảng diễn trong Festival Huế 2018, mà nhiều giá trị văn hóa cung đình và dân gian, văn hóa tâm linh hay ngành nghề truyền thống, cũng như nghệ thuật sống của vùng đất Cố đô tiếp tục được giới thiệu cùng bè bạn gần xa.
Bên cạnh những chương trình nghệ thuật chính, Festival Huế từ trước đến nay luôn là lễ hội, sinh hoạt văn hóa gần gũi hướng về cộng đồng, qua các lễ hội đường phố, sắc màu tuổi thơ, lễ hội từ các làng quê “riêng có” như Hương xưa làng cổ (huyện Phong Điền), Chợ quê ngày hội cầu Ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy) hy vọng sẽ là bữa đại tiệc tinh thần, làm hài lòng công chúng, người dân và du khách gần xa đến với Huế trong những ngày này.
Riêng trong đêm khai mạc Festival Huế 2018, chương trình nghệ thuật khởi đầu này là sự xuyên suốt của dấu ấn di sản văn hóa xứ Huế và quốc gia, với chủ đề “Huế! Tỏa sáng miền di sản”, được thể hiện qua 3 phần: “Âm sắc Huế”, gồm các tiết mục mở ra bức tranh hoành tráng, tạo nên không khí lễ hội của vùng đất Cố đô; “Khúc giao hòa” là chuỗi ba tiết mục đặc sắc, thể hiện sự liên kết của ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước; “Giai điệu tỏa sáng” là sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế của các quốc gia về tham gia Festival Huế, như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc.