Hồi tháng ba, khi ông Rodrigo Duterte còn là thị trưởng một thành phố phía nam tham vọng ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất đất nước, ông đã khoe rằng những người ủng hộ mình mạnh mẽ nhất là cộng đồng người Hoa và nguồn tiền cho chiến dịch quảng bá trước khi tranh cử đến từ "một mạnh thường quân Trung Quốc giấu tên".
Tại thời điểm đó, ít ai chú ý tới nhà quyên góp bí ẩn người Hoa này. Ông Duterte không phải ứng viên duy nhất nhận được các khoản quyên góp từ cá nhân, tổ chức nước ngoài trong cuộc đua giành chức tổng thống, nhưng khi ông Duterte có những phát ngôn chống Mỹ gây chú ý, khả năng Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Philippines trở thành vấn đề được quan tâm, theo The Australian.
Trong vòng hai tuần, ông đe doạ sỉ nhục Tổng thống Mỹ Barack Obama, đề nghị binh sĩ Mỹ rút khỏi Mindanao, yêu cầu lực lượng tuần tra hải quân Philippines không ra khỏi phạm vi 12 hải lý tính từ bờ ở Biển Đông. Ông Duterte cũng đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng nghiên cứu mua khí tài quân sự từ Nga và Trung Quốc, thay vì tìm đến nhà cung cấp truyền thống là Mỹ.
Philippines có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Mỹ. Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Philippines, Washington đã cùng Manila thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thông qua Thỏa thuận Hợp tác Tăng cường Phòng thủ. Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã cho phép các lực lượng và nhà thầu Mỹ tiếp cận một số khu vực mà hai bên thống nhất.
Thỏa thuận này được xem như thắng lợi cho Washington, vì nó cho phép Mỹ đưa thêm binh sĩ, tàu chiến và máy bay tới đồn trú tại Philippines. Đây cũng là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Philippines hồi tháng 5 cũng có ý nghĩa rất quan trọng với Bắc Kinh. Thời điểm đó, Tòa Trọng tài tại Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Và đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, phán quyết hồi tháng 7 của tòa nghiêng về hướng có lợi cho Philippines.
Thỏa thuận quốc phòng Mỹ - Philippines, cộng với thỏa thuận về tuần tra chung trên Biển Đông, là những đòn bẩy của Mỹ trong chiến lược kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
"Vào thời điểm bầu cử, có rất nhiều đồn đoán rằng tiền của Trung Quốc đang đổ vào chiến dịch tranh cử tổng thống và sẽ là một yếu tố chi phối", ông Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế, viện Lowy, nói.
Nếu Trung Quốc muốn ủng hộ một ứng viên chiến lược nào, nhiều khả năng nhất đó là phó tổng thống vào thời điểm đó Jejomar Binay, người tuyên bố sẽ có quan điểm ôn hòa hơn với Bắc Kinh so với ông Aquino.
Dù vậy, "sẽ hoàn toàn hợp lý nếu Trung Quốc muốn có nhiều ứng viên thân Bắc Kinh nhất có thể", tiến sĩ Graham nói.
Nhà phân tích chính trị Philippines Richard Javad Heydarian xác nhận có nhiều tin đồn rằng tiền Trung Quốc đã đổ vào suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines. Tuy không có bằng chứng nào, ông cho rằng "khả năng tiền của Trung Quốc có liên quan đến các cuộc bầu cử trong khu vực không thể bị xem nhẹ".
Thái độ cứng rắn của ông Duterte đối với Mỹ, nước sẽ đóng góp tới 120 triệu USD cho ngân sách quốc phòng của Manila trong năm nay, hoàn toàn đối lập với lối tiếp cận của ông này với Bắc Kinh. Dù vậy, ông Heydarian nhận định mọi chuyện có thể thay đổi.
"Ông Duterte rõ ràng sẵn sàng đi xa trong việc mở các kênh đối thoại với Trung Quốc, bằng cách phát đi thông điệp tích cực. Nhưng nếu trong vài tháng tới, Trung Quốc không có bước nhượng bộ đáng kể nào, ông Duterte sẽ buộc phải giữ lập trường cứng rắn hơn", chuyên gia nhận định.