Học sinh ở Madaya, Syria. (Nguồn: AP)
Theo báo cáo mang tên "Thế hệ học tập: Đầu tư vào giáo dục nhằm thay đổi thế giới" do Ủy ban quốc tế về trợ giúp tài chính cho cơ hội giáo dục toàn cầu, công bố cho biết nếu các chính phủ không nhanh chóng tăng đầu tư vào giáo dục, trẻ em ở các nước thu nhập thấp sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói và sẽ không thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước khi đến tuổi trưởng thành.
Cụ thể, đến năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 1,5 tỷ người ở độ tuổi trưởng thành không được trang bị những kiến thức cơ bản bậc tiểu học. UNICEF nhấn mạnh tới các khuyến nghị có trong báo cáo và kêu gọi các chính phủ gia tăng đầu tư giáo dục từ 3-5% để đối phó với cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc UNICEF Anthony Lake khẳng định mọi trẻ em đều có quyền tiếp xúc với hệ thống giáo dục chất lượng cao ngay từ những năm đầu phát triển - thời điểm quan trọng nhất để phát triển não bộ và nhận thức. Nếu thiếu vắng sự đầu tư sớm, thế giới sẽ phải trả giá cho một thế hệ trẻ lớn lên thiếu đi kiến thức, cùng kỹ năng để phát triển tiềm năng của các em.
Báo cáo cũng cho biết hiện chỉ có 50% trẻ em bậc tiểu học và gần 25% trẻ em bậc trung học ở những nước thu nhập bình quân vừa và thấp đang được học những kỹ năng cơ bản; có tới 330 triệu học sinh bậc tiểu học và trung học không được trang bị kiến thức cơ bản.
Khủng hoảng đang lớn dần theo mức độ tăng dân số, ước tính đến năm 2030, sẽ có khoảng 1,4 tỷ trẻ em ở độ tuổi đi học ở những đất nước có thu nhập bình quân vừa và thấp và số trẻ em gái không đến trường sẽ cao gấp đối số trẻ em trai.