Kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) đã chỉ ra những nguy hiểm các nhà báo đang phải đối mặt, và có tới hơn 90% những kẻ phải chịu trách nhiệm về hơn 1,100 nhà báo thiệt mạng trong khoảng thời gian từ 2006-2018, đã không hề bị kết án.
Báo cáo của UNICEF cho thấy các vụ giết hại nhà báo đã tăng khoảng 18% trong 5 năm từ 2014-2018) so với 5 năm trước đó. Những nước xảy ra nhiều vụ nhà báo bị giết hại nhất là các nước Arab, nơi chiếm tới 1/3 tổng số các vụ giết hại nhà báo, khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe chiếm 26% và các nước châu Á Thái Bình Dương, 24%. Các nhà báo thường bị giết hại vì đưa tin về chính trị, tội ác và tham nhũng và theo kết quả nghiên cứu thì trong 2 năm 2017-2018 có tới hơn một nửa số vụ nhà báo thiệt mạng lại xảy ra ở những nước không có chiến tranh.
Trong thông cáo của mình, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh sự gia tăng về mức độ và số lượng các vụ tấn công các nhà báo cho thấy điều kiện tác nghiệp của các nhà báo ngày càng khó khăn hơn, với những hiểm họa bị trả thù, bắt bớ, không cho tiếp cận thông tin thường xuyên rình rập, chưa kể tới việc điều tra các vụ tấn công, giết hại nhà báo cũng không được tạo điều kiện. Một ví dụ điển hình là vụ giết hại nhà báo người Malta Daphne Caruana Galizia vào năm 2017. Vụ việc hiện vẫn đang được chuyên gia độc lập về nhân quyền của LHQ theo dõi cho thấy nhà chức trách Malta gần như không có nỗ lực gì điều tra vụ việc.
Cùng ngày, gười đứng đầu LHQ về nhân quyền, bà Michelle Bachelet cũng kêu gọi các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị bạo lực ở Haiti hiện nay cần tránh nhằm vào các nhà báo và tôn trọng tự do báo chí. Bà Bachelet cho biết hiện ít nhất 1 nhà báo đã thiệt mạng và 9 phóng viên khác bị thương trong lúc đang tác nghiệp ở Haiti.