Trong giai đoạn 2018-2020, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông với kế hoạch đầu tư hơn 96.000 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu đặt ra năm 2020 là đưa vào sử dụng thêm 190km đường bộ và 49 cây cầu.
Theo đó, từ đây đến năm 2020, TPHCM dự kiến sẽ phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng gần 190km đường bộ và 49 cây cầu, mật độ giao thông đạt 2,2km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Riêng khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại.
TPHCM ưu tiên sử dụng ngân sách TP để thực hiện các công trình giao thông thực sự cần thiết, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Cùng đó là ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới trong quá trình thiết kế và thi công để đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Trong đó, triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi linh hoạt về nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư của các dự án đầu tư trong danh mục chương trình (từ vốn ngân sách sang PPP, ODA, … và ngược lại) theo đúng quy định pháp luật.
Tham mưu chủ trương đầu tư một số dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố. Xây dựng phương án ứng vốn ngân sách thành phố cho Trung ương thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn thành phố.
TPHCM đang thiếu đất phát triển hệ thống bến bãi phục vụ giao thông công cộng. |
Bên cạnh đó, xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia, triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
TPHCM ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; cải tạo và xây mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt, đảm bảo bố trí trạm dừng, nhà chờ thuận lợi cho hành khách dễ dàng tiếp cận và chuyển tuyến.
Đồng thời, phát triển các bến bãi trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa đường trục chính với tuyến Vành đai 2 nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào thành phố; hình thành các điểm giữ xe gắn máy 2-3 bánh cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ rà soát, sắp xếp lại các vị trí dừng, đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè; có giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe.
Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 96.000 tỷ đồng, trong đó, kinh phí đầu tư đoàn phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách cộng cộng là hơn 11.500 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7/2018, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM đạt 8,85% (theo quy hoạch là 22,3%). Tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.153km, đạt mật độ 2,03km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt từ 10-13km/km2).
Trong khi đó, tính đến ngày 15/6/2018, thành phố đang quản lý hơn 8,3 triệu phương tiện (tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017), gồm 711.534 xe ô tô (tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2017) và 7,65 triệu xe mô tô.
Diện tích bến bãi hiện còn thấp, khoảng 150ha, đạt tỷ lệ 17% so với chỉ tiêu quy hoạch tại Quyết định 568/QĐ-TTg. Trong đó, bến xe buýt là 20,5ha, đạt 67% so với quy hoạch; bãi đỗ xe ô tô, taxi là 4ha, đạt khoảng 1% so với quy hoạch; bến xe ô tô hàng là 9,6ha, đạt 18,5% so với quy hoạch.