Chồng chéo, kém hiệu quả
Theo dự thảo đề án, TPHCM hiện có 44 Ban quản lý (BQL) có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng, trong đó 9 ban thuộc UBND thành phố quản lý. Có 4/9 BQL hoạt động như một cơ quan hành chính, gồm BQL Đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm; BQL Đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc, BQL Đầu tư - xây dựng Khu Nam và BQL Khu Công viên Lịch sử Văn hóa - Dân tộc.
5/9 BQL là đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: BQL Đầu tư - xây dựng công trình giao thông đô thị, BQL Đầu tư - Xây dựng công trình nâng cấp đô thị, BQL Đường sắt đô thị, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn và BQL xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch. Các BQL đều là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ (trừ BQL Đường sắt đô thị).
Có 11 BQL thuộc 8 sở, ngành, đơn vị, gồm: BQL Đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở GD&ĐT; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở VH&TT; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở LĐTB&XH.
Nhiều sở quản lý cùng lúc nhiều BQL, như: Sở GTVT “quản” BQL dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), BQL Đầu tư dự án vệ sinh môi trường, các Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Khu Quản lý giao thông đường thủy. Trung tâm chống ngập quản 4 BQL, gồm: BQL dự án 1547; BQL dự án Thoát nước đô thị; BQL dự án Cải tạo kênh Ba Bò; BQL dự án Xây dựng công trình.
Đặc biệt, một số BQL “cha” được giao quản lý BQL “con”, như BQL Khu Công nghệ cao “quản” BQL các dự án đầu tư - xây dựng Khu Công nghệ cao; BQL đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm quản BQL công trình Thủ Thiêm. Tại 24 quận - huyện, TPHCM còn có các BQL đầu tư xây dựng công trình là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc UBND quận - huyện.
Với cơ cấu trên, bộ máy BQL của TPHCM hiện có 43 trưởng BQL, 92 phó BQL, 213/255 biên chế (cơ quan hành chính), 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ, không giao số người làm việc). Các BQL đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323 nghìn đồng.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, dù đã đạt được một số kết quả tích cực, mô hình tổ chức nói trên làm nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải. Nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, công tác thanh quyết toán kéo dài, công trình triển khai dở dang chậm được đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp. Hoạt động của các BQL chồng chéo, kém hiệu quả. Các BQL Đầu tư - Xây dựng khu đô thị mới đang thực hiện theo mô hình cơ quan hành chính là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Xóa sổ nhiều “ông lớn”
Trên cơ sở đó, UBND TPHCM đang xem xét việc sắp xếp, kiện toàn các BQL dự án của thành phố và quận - huyện theo hướng thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (trực thuộc UBND thành phố) trên cơ sở hợp nhất BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc các Sở: Y tế, GD&ĐT, VH&TT, LĐTB&XH và sáp nhập vào BQL Đầu tư - Xây dựng công trình Nâng cấp đô thị do UBND thành phố trực tiếp quản lý. Lãnh đạo ban gồm giám đốc và không quá 3 phó giám đốc.
TPHCM dự kiến sẽ thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND thành phố trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các Khu giao thông đô thị, Khu Quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập BQL dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) cùng thuộc Sở GTVT vào Ban Giao thông đô thị và ủy quyền cho Sở GTVT quản lý (trừ vấn đề nhân sự lãnh đạo ban và đối với các dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thông qua vay vốn nước ngoài). Ban này gồm có 1 giám đốc và không quá 3 phó giám đốc.
Theo dự thảo đề án, TPHCM dự kiến điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Trung tâm Chống ngập hiện nay giao về cho Sở GTVT, đồng thời thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Chống ngập và hợp nhất với Ban Vệ sinh môi trường.
UBND thành phố ủy quyền cho Sở Xây dựng quản lý các hoạt động của Ban này (trừ vấn đề liên quan đến nhân sự lãnh đạo Ban và đối với các dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thông qua vay vốn nước ngoài). Ban có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc.
TPHCM dự kiến sáp nhập các BQL Khu Thủ Thiêm, BQL Khu Nam, BQL Khu Tây Bắc và chuyển từ mô hình cơ quan hành chính sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập để thành lập BQL Phát triển đô thị TPHCM trực thuộc UBND thành phố. Các BQL dự án đầu tư - xây dựng Khu Công nghệ cao, BQL Đường sắt đô thị (đang quản lý hai dự án lớn từ nguồn vốn ODA) sẽ giữ nguyên mô hình như hiện nay.
Riêng BQL xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch từ trực thuộc UBND thành phố sẽ chuyển giao Sở Quy hoạch Kiến trúc quản lý. Cấp quận - huyện sẽ thành lập BQL dự án khu vực quận - huyện trên cơ sở kiện toàn BQL đầu tư xây dựng công trình trực thuộc quận - huyện hiện nay.
Theo nhận xét của UBND TPHCM, với mô hình dự kiến sắp xếp như trên, thành phố giảm 11 đầu mối (gồm 2 ban thuộc UBND thành phố, 9 ban thuộc sở ban ngành). So với biên chế, số lượng người làm việc được giao năm 2017, việc sắp xếp sẽ giảm 255 biên chế hành chính và có khả năng giảm 133 người làm việc trong các đơn vị.
Theo dự thảo đề án, năm 2017, UBND TPHCM đã có quyết định hợp nhất BQL Đầu tư - xây dựng công trình giao thông đô thị và BQL Đầu tư - Xây dựng công trình nâng cấp đô thị (thuộc UBND thành phố) với BQL Đầu tư dự án vệ sinh môi trường (thuộc Sở GTVT) thành BQL Đầu tư các dự án ODA nhưng đến nay quyết định vẫn chưa được công bố, chưa có nhân sự lãnh đạo ban và chưa bàn giao giữa các đơn vị.