TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT

Thực hiện lời kêu gọi của Bộ GD-ĐT về việc nghiên cứu và đóng góp ý kiến, đề xuất trong ngành giáo dục và rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân cho bản dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” của Bộ GD-ĐT, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã có một số ý kiến và kiến nghị như sau:
TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT

Trước hết, việc Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” để lấy ý kiến rộng rãi là một bước quan trọng, được đánh giá cao, trong quá trình tổ chức thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hàng Trung ương Đảng (khóa XI) và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Việc này đồng thời cũng khẳng định rằng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải là bước đi trước bước đổi mới sách giáo khoa, khi chưa đổi mới chương trình giáo dục thì chưa thể và không nên đặt vấn đề đổi mới sách giáo khoa. Nó cũng đáp ứng mong đợi của tôi như tôi đã trình bày trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngày 15/7/2013 và trong nhiều bài viết của tôi đã đăng trên báo chí về các vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam. Mặc dù chưa nhận được phản hồi từ Bộ GD-ĐT cho bức thư và các bài viết của tôi, qua đọc dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tôi thấy nhiều ý kiến, đề xuất về đổi mới giáo dục của giới chuyên môn và của người dân (như tôi) đã được Bộ GD-ĐT quan tâm nghiên cứu khi thể hiện một số thay đổi quan trọng trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông lần này. Tôi xin cám ơn Bộ GD-ĐT về sự cầu thị đó!

Sau đây tôi xin nêu một số vấn đề và đề xuất cho tài liệu dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” cụ thể như sau:

1) Vấn đề thứ nhất: Cần đặt ra một số mục tiêu đổi mới giáo dục cụ thể đủ lớn và có tính khả thi cho lần đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông này.

TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT - anh 1

Tiến sĩ Lương Hoài Nam (sinh năm 1963) tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Hàng không Riga, Latvia, Liên-xô (cũ) năm 1986 và bảo vệ luận án Tiến sỹ năm 1990 tại Liên-xô.

Ông là một doanh nhân tại Việt Nam thường xuyên góp ý về các vấn đề xã hội, giáo dục,... kể cả trong vai trò một blogger.

Ông từng là Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines và giám đốc điều hành Air Mekong. Hiện, ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu của Tập đoàn Thiên Minh.

Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông là một công việc, quá trình đổi mới hết sức khó khăn, tốn kém sức người và tiền bạc. Nó liên quan đến hàng chục triệu người dân Việt Nam là đối tượng giáo dục và làm giáo dục. Vì vậy, theo tôi, cần đặt ra một số mục tiêu cụ thể đủ lớn cho lần đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông lần này để tất cả các cơ quan nhà nước, toàn ngành giáo dục và đông đảo tầng lớn nhân dân, học sinh thông hiểu và chia sẻ đây là một việc quan trọng, thiết thực, đáng làm, phải làm, không làm không được. Sự thông hiểu và chia sẻ như vậy là rất cần để đề án thành công. Tôi nhận thấy rằng, trong dư luận hiện nay có sự mâu thuẫn phổ biến trước các đề án đổi mới. Một mặt, người dân không hài lòng với tình hình hiện tại, không ít người lên tiếng phê phán, chỉ trích. Nhưng, mặt khác, người dân lại thiếu niềm tin vào năng lực thay đổi, cải thiện tình hình của cơ quan quản lý chủ trì đề án. Không ít người cho rằng các đề án đổi mới, thay đổi chẳng qua chỉ là cách cơ quan quản lý “vẽ việc tiêu tiền”, vì lợi ích nhóm, còn kết quả, hiệu quả thu được thì đáng nghi ngờ. Mâu thuẫn này cũng đã và đang diễn ra đối với đề án đổi mới giáo dục Việt Nam của Bộ GD-ĐT. Do vậy, việc đặt ra một số mục tiêu đổi mới giáo dục cụ thể đủ lớn và có tính khả thi là hết sức cần thiết để giải quyết mâu thuẫn này, tạo sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Cuối thế kỷ 19, khi người dân Nhật Bản đồng thuận với chủ trương đổi mới giáo dục của Hoàng Đế Minh Trị theo tinh thần của Fukuzawa, họ đã không ngần ngại bỏ tiền của gia đình ra đóng góp xây trường, mời giáo viên nước ngoài sang Nhật Bản dạy cho con em họ. Nhờ sự chia sẻ, ủng hộ của người dân Nhật Bản, công cuộc đổi mới giáo dục thời Minh Trị đã thành công rực rỡ, biến Nhật Bản từ một quốc gia lệ thuộc thành cường quốc kinh tế, quân sự. Để đổi mới giáo dục ở nước ta, sự thông hiểu và chia sẻ của người dân đối với các mục tiêu đổi mới cũng sẽ là điều kiện quan trọng hàng đầu để thành công.
Theo tôi, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của lần đổi mới giáo dục này là giải quyết những yếu kém, nhược điểm của "con người Việt Nam điển hình" đã và đang cản trở khả năng phát triển của mỗi cá nhân và đất nước, để hình thành những thế hệ công dân Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trình độ vượt bậc, có cơ hội phát triển và cuộc sống tốt hơn.
Cụ thể, theo tôi, Chương trình giáo dục mới, ngoài các mục tiêu Bộ GD-ĐT đã đặt ra, là để giải quyết những yếu kém, nhược điểm của “con người Việt Nam điển hình” sau đây:

(a) Hiểu biết luật pháp quốc gia và quốc tế hạn chế; sống và làm việc cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xoà, tính kỷ luật thấp, làm cho việc xây dựng xã hội văn minh và pháp quyền khó khăn. Đây là những tàn dư văn hóa phong kiến nặng nề, thậm chí còn nặng nề hơn cả ở Trung Quốc là cái nôi của chủ nghĩa phong kiến trong khu vực.

(b) Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém. Rất nhiều chương trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa để biến Việt Nam thành một nước công nghiệp, có nền sáng tạo công nghệ và sản xuất công nghiệp đã bị thất bại. Thị trường Việt Nam tràn ngập các sản phẩm công nghệ và hàng hóa công nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nước ngoài, mang thương hiệu ngoại. Trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, Việt Nam chủ yếu tham gia ở các công đoạn có giá trị gia tăng rất thấp là gia công, lắp ráp từ vật liệu, linh kiện ngoại nhập, theo thiết kế và thương hiệu ngoại (đến mức làm không ít nhà làm chính sách phải kêu trời: “Đến cái đinh ốc cho điện thoại Samsung mà còn không làm nổi!”). Đây là lĩnh vực mà người Việt Nam rất yếu kém.

(c) Ngoại ngữ (tiếng Anh) kém. Mặc dù tiếng Anh được dạy trong suốt nhiều năm phổ thông và đại học, được học sinh học thêm tại nhà và ở các trung tâm ngoại ngữ, nhưng trên thực tế, mặt bằng trình độ tiếng Anh của người Việt Nam vẫn rất thấp so với khu vực. Trong thế giới phẳng ngày nay, đây là một yếu điểm rất lớn. Nhiều học sinh, sinh viên và lực lượng lao động trẻ nước ta không có khả năng tự tìm kiếm và tự học kiến thức mới (phổ biến từ các nguồn bằng tiếng Anh), khó khăn trong giao tiếp với người nước ngoài và do vậy thiếu tự tin, khó khăn trong tìm kiếm công ăn, việc làm ở trong và ngoài nước, làm gia tăng áp lực thất nghiệp và các tệ nạn xã hội. Hơn 150.000 cử nhân đang thất nghiệp, nhưng số thanh niên bươn chải ra nước ngoài tìm công ăn việc làm rất ít, một trong những nguyên nhân là do trình độ tiếng Anh thấp.

Tôi tin rằng, nếu Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để giải quyết được ba yếu kém, nhược điểm trên của “con người Việt Nam điển hình”, nó sẽ có sức thuyết phục rất lớn đối với người dân. Không phụ huynh học sinh nào muốn nhìn thấy ở con em mình các yếu kém, nhược điểm đó. Họ sẽ ủng hộ cuộc đổi mới.

2) Vấn đề thứ hai: Thiếu tham chiếu và chưa ứng dụng "Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục’" của UNESCO ("International Standard Classification of Education - ISCED"), làm cho Chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo) chưa tương thích cao với các hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Tài liệu của Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT đã “tham khảo và học tập chương trình và sách giáo khoa của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (Đông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Úc; cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục của các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng Công…) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa.” Tuy nhiên, trong bộ tài liệu về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo) của Bộ GD-ĐT, tôi không tìm thấy bất kỳ tham chiếu nào đến “Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục” (ISCED, các phiên bản năm 1997 và 2011) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO). Qua nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo), tôi chưa thấy các nội dung của ISCED được ứng dụng vào Chương trình này.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một khiếm khuyết lớn. Qua nghiên cứu ISCED và một số nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Phần Lan, Singapore…, tôi cho rằng ISCED là một bộ tài liệu hướng dẫn, một “bộ khung” vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia (hoặc đổi mới từ hệ thống giáo dục hiện tại). ISCED nêu rõ kết cấu các bậc học (6 bậc học theo ISCED 1997, 8 bậc học theo ISCED 2011), các tiêu chuẩn đầu vào, các mục tiêu đầu ra của mỗi bậc học, cách phân luồng học sinh trong các bậc học để học sinh phát huy tối đa các tố chất, năng khiếu, nhu cầu hướng nghiệp của cá nhân. Thực tế là hệ thống giáo dục của nhiều nước tiên tiến tương thích rất cao với ISCED (cũng có thể ISCED được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nền giáo dục tiên tiến).

Đồng thời, việc đánh giá, xếp hạng giáo dục của các quốc gia cũng tham chiếu và dựa trên ISCED. Báo cáo giáo dục năm 2014 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được lập dựa trên ISCED 1997; bắt đầu từ năm nay, báo cáo giáo dục của OECD sẽ dựa trên ISCED 2011. Điều đó cho thấy mức độ ứng dụng phổ biến của ISCED ở các nước thành viên OECD. Họ cố gắng làm cho hệ thống giáo dục của quốc gia mình tương thích cao với ISCED và cố gắng đạt chất lượng cao theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng dựa trên ISCED.

Nếu Bộ GD-ĐT không lấy ISCED làm xuất phát điểm quan trọng cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mà lại nghiên cứu ngay vào các hệ thống giáo dục của các nước cụ thể, tôi e rằng với cách làm đó rất khó có thể tạo ra được một hệ thống giáo dục khoa học, với các liên kết nội dung chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nó chứa đựng nhiều nguy cơ “chắp vá” hệ thống như đã xảy ra trong các lần đổi mới giáo dục trước. Từ một bộ khung tốt có thể xây nên các ngôi nhà khác nhau, nhưng khi thiết kế một ngôi nhà, chúng ta cần biết rõ và đồng ý với bộ khung đã, sau đó mới đi vào thiết kế chi tiết.

Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT trong quá trình hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy ISCED 2011 làm “bộ khung” để đảm bảo tính tương thích cao nhất của chương trình giáo dục phổ thông nước ta với các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận và, thông qua sự tương thích với ISCED, - tạo sự tương thích cao nhất giữa chương trình giáo dục nước ta với chương trình giáo dục của các nước tiên tiến. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, sự tương thích về giáo dục một mặt giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mặt khác tạo các cơ hội liên thông giáo dục – đào tạo giữa nước ta và các nước khác, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam khi đi du học nước ngoài, vừa tăng cơ hội cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo cho học sinh nước ngoài ở Việt Nam trong tương lai (như Singapore đã và đang làm).

3) Vấn đề thứ ba: Kết cấu, mô hình hệ thống giáo dục thiếu rõ ràng; yếu tố phân luồng, phương pháp phân luồng giáo dục còn mờ nhạt.

Theo tôi, đây là hệ quả trực tiếp của việc không áp dựng ISCED khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Khi đọc tài liệu của Bộ GD-ĐT, mặc dù theo dự thảo thì tôi biết ở lớp nào học sinh sẽ học những môn gì, bao nhiêu tiết, nhưng tôi không vẽ ra được sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục theo Chương trình mới (ở dạng mà tôi có thể dễ dàng tìm được với các nền giáo dục tiên tiến). Đồng thời, tôi không tìm thấy chủ trương, phương pháp phân luồng giáo dục ngay từ cấp Trung học cơ sở theo khuyến cáo của ISCED và được áp dụng tại rất nhiều nước (theo 02 hướng Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng). Phân luồng giáo dục ngay từ cấp Trung học cơ sở (ISCED 2) là một nội dung quan trọng, có thể coi là lớn nhất, mà tôi cho rằng cần phải thực hiện trong lần đổi mới giáo dục này (nếu không thì kết quả của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sẽ rất hạn chế).

TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT - anh 2

Tôi xin mạnh dạn đề xuất sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục tương thích với ISCED 2011 như sau (xem hình). Các nội dung và cơ sở chủ yếu cho đề xuất của tôi bao gồm:

(a) Cấp Tiểu học có độ dài 6 năm (tăng 01 năm so với dự thảo Chương trình của Bộ GD-ĐT). Các lý do:

- Khi phân luồng giáo dục ngay từ đầu cấp Trung học cơ sở, nên thêm 01 năm Tiểu học để học sinh trưởng thành hơn về trí tuệ và thể lực; các tố chất, năng khiếu cá nhân cũng được bộc lộ rõ ràng hơn, sẵn sàng hơn cho việc chọn luồng.

- Rất nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới có độ dài Tiểu học 6 năm: Anh, Mỹ, Úc, Đức, Phần Lan, Singapore… (cấp Tiểu học ở Pháp là 5 năm, cũng có thể đây là lý do tại sao lâu nay Việt Nam chọn 5 năm).

(b) Cấp Trung học cơ sở có độ dài 03 năm (giảm 01 năm so với dự thảo Chương trình của Bộ GD-ĐT), chia ra hai luồng: Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng. Giữa hai luồng này có sự liên thông (có bước kiểm tra, đánh giá) để học sinh có thể chuyển từ luồng này sang luồng khác do nhu cầu, nguyện vọng cá nhân trong quá trình học.

(c) Cấp Trung học phổ thông có độ dài 03 năm (như dự thảo Chương trình của Bộ GD-ĐT), chia làm ba luồng: Lý thuyết/Hàn lâm, Kỹ thuật/Ứng dụng và Học nghề (dành cho những học sinh không đạt điều kiện, hoặc không có nhu cầu học lên tiếp).

(d) Bổ sung cấp Dự bị Đại học (ở các nước khác gọi là A-Level School, Junior College…) tương thích với ISCED 5, với độ dài 02 năm. Đổi mới chương trình giáo dục đại học (ISCED 6), trong đó giảm thời gian học các môn đại cương mà học sinh đã học ở Dự bị Đại học. Thời gian học Đại học còn 3-4 năm (tùy trường, ngành học).

(e) Sau khi học sinh kết thúc Trung học phổ thông, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và căn cứ vào kết quả của kỳ thi này để phân luồng học sinh vào các trường Dự bị Đại học, Cao đẳng, số học sinh không đủ điều kiện vào các trường này sẽ quay lại học Trung cấp, hoặc ra thẳng thị trường lao động.

(f) Sau khi học sinh học 02 năm Dự bị Đại học, tổ chức kỳ thi đại học để chọn học sinh đạt tiêu chuẩn vào các trường đại học. Các học sinh không đạt điều kiện sẽ chuyển sang các luồng khác (hoặc ra thẳng thị trường lao động với các cơ hội tuyển dụng hạn chế; phần lớn số học sinh này sẽ học thêm một chương trình đào tạo bổ sung).

(g) Bên cạnh các trường áp dụng chương trình giáo dục phổ thông chính quy, đề nghị bổ sung vào hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể các trường thực nghiệm, các trường năng khiếu, các trường giáo dục đặc biệt. Các trường này là những bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể, mặc dù họ áp dụng chương trình giáo dục riêng. Đặc biệt, cần đề cao vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các trường thực nghiệm của các nhà/tổ chức giáo dục có uy tín phát triển mạnh mẽ và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giáo dục phổ thông, qua đó nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính quy và hệ thống thực nghiệm.

4) Vấn đề thứ tư: Chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo) còn nặng; cách tiếp cận đối với các môn học bắt buộc và tự chọn chưa hợp lý.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông quy định các môn học bắt buộc như sau:

- Các lớp 1, 2, 3: 5 môn (Tiếng Việt, Toán, Giáo dục lối sống, Thể dục, Cuộc sống quanh ta).

- Các lớp 4, 5: 7 môn (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Thể dục, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên).

- Trung học cơ sở: 7 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Thể dục, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên).

- Trung học phổ thông: 4 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Công dân với Tổ quốc).

Tôi xin trình bày một số nhận xét và kiến nghị như sau:

- Chương trình quy định các môn học bắt buộc ở các cấp, nhưng lại không nêu rõ ở mỗi cấp học sinh phải chọn thêm (tối thiểu) bao nhiêu môn và chỉ được chọn thêm (tối đa) bao nhiêu môn (để không bị quá tải, gây phân tán học lực)?

- Số lượng các môn học bắt buộc quá nhiều so với các hệ thống giáo dục tiên tiến. Ở các cấp Trung học của Anh, Mỹ, Đức…, tổng số các môn học của học sinh chỉ 6-8 môn, trong đó khoảng một nửa là các môn bắt buộc, một nửa là các môn tự chọn. Ví dụ, tại Singapore, ở cấp Trung học cơ sở theo luồng Lý thuyết/Hàn lâm, học sinh học 6-8 môn, với 3 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ; theo luồng Kỹ thuật/Ứng dụng, học sinh học 5-7 môn, với 4 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ, Tin học (nguồn: website Bộ Giáo dục Singapore, www.moe.gov.sg). Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: các môn học mang tính hướng nghiệp của học sinh Singapore không nằm trong số các môn học bắt buộc!

Cách tiếp cận đối với các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn, theo tôi, nên như sau: cơ quan quản lý xác định các môn học tối thiểu học sinh cần phải học khi chọn đi theo một luồng giáo dục cụ thể (để hình thành con người toàn diện, cho dù học sinh có năng khiếu, thế mạnh về các môn học đó hay không), còn học sinh tự chọn thêm cho mình các môn học mà học sinh có năng khiếu, thế mạnh, có nhu cầu theo đuổi mang tính hướng nghiệp. Tôi có cảm giác rằng trong việc xác định các môn học bắt buộc, cơ quan quản lý đang giành quyền quyết định học sinh phải học tốt những môn gì cho tương lai của học sinh, thay vì để việc chọn đó cho học sinh và phụ huynh làm (như ở Singapore và các nước khác). Nếu như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục một nền giáo dục áp đặt thay vì tạo điều kiện cho học sinh phát huy các sở trưởng của mình và tập trung học tốt, học sâu những môn học mà học sinh có năng khiếu, thế mạnh, cần cho công việc tương lai. Khi bắt học sinh phải học quá nhiều môn học, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra những thế hệ người Việt Nam “cái gì cũng biết, nhưng không biết sâu cái gì cả”. Nhà trường không thể dạy cho học sinh biết tốt tất cả mọi thứ. Nhà trường chỉ nên tập trung dạy cho mỗi học sinh biết thật tốt một số thứ, đồng thời dạy cho học sinh phương pháp tự học để học sinh có thể học những thứ khác không nằm trong chương trình học. Theo tôi, các môn học bắt buộc ở hai cấp Trung học không nên quá 5 môn, tổng số môn học Trung học không quá 8 môn, để dạy và học thật sâu.

- Tôi đề nghị đặt mục tiêu biến Việt Nam thành một nước có mặt bằng trình độ tiếng Anh cao thứ hai trong khu vực ASEAN (chỉ thua Singapore), thông qua việc chọn môn Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở cả ba cấp học, đồng thời thực hiện việc dạy và học một số môn học ở cấp Trung học bằng tiếng Anh. Các ngoại ngữ khác được coi là Ngoại ngữ 2 đối với học sinh. Khi học sinh đã học giỏi Tiếng Anh thì việc học thêm một ngoại ngữ khác là không quá khó khăn, học sinh có thể học tốt Ngoại ngữ 2 ở trường và học thêm ở các trung tâm dạy ngoại ngữ.

5) Vấn đề thứ năm: Đề nghị tách lĩnh vực giáo dục “Công nghệ - Tin học” thành hai lĩnh vực giáo dục độc lập là “Sáng tạo Công nghệ” (hoặc “Thiết kế và chế tạo”) và “Tin học”; bổ sung lĩnh vực giáo dục “Các hoạt động giáo dục ngoại khóa/ngoài lớp học”.

Như tôi đã nêu ở phần đầu, năng lực sáng tạo công nghệ (thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ, hàng hóa công nghiệp phục vụ sản xuất và tiêu dùng) của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại rất yếu. Thị trường Việt Nam tràn ngập các sản phẩm công nghệ và hàng hóa công nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nước ngoài, mang thương hiệu ngoại. Trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, Việt Nam chủ yếu tham gia ở các công đoạn có giá trị gia tăng rất thấp là gia công, lắp ráp từ vật liệu, linh kiện ngoại nhập, theo thiết kế và thương hiệu ngoại. Theo số lượng đăng ký bảo hộ phát minh, sáng chế và sở hữu trí tuệ, Việt Nam luôn nằm ở nhóm các quốc gia kém nhất. Công nghiệp là lĩnh vực yếu nhất trong các lĩnh vực kinh tế.

Sáng tạo công nghệ” và “Tin học” là hai lĩnh vực có nội dung rất khác nhau. Trong các nền giáo dục của các nước công nghiệp phát triển, ví dụ ở Anh, “Sáng tạo công nghệ” (họ gọi môn học là “Design & Technology”) là lĩnh vực giáo dục rất được quan tâm. Thông qua môn học này, nhà trường dạy cho học sinh các kỹ năng phát triển ý tưởng công nghệ, công nghiệp, thiết kế sản phẩm, tổ chức sản xuất, thậm chí cả các phương thức tạo nguồn tài chính, phương thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm làm ra. Học sinh học sáng tạo công nghệ bắt đầu từ những vật dụng nhỏ, tiến tới những máy móc, thiết bị phức tạp. Giáo dục sáng tạo công nghệ cũng là cách phát triển tư duy cụ thể mạch lạc, tư duy bằng các con số, thay cho tư duy trừu tượng rắm rối, tư duy bằng các khái niệm chung chung mà người Việt Nam thường mắc phải. Tôi cho rằng mục tiêu này phải là một trong những mục tiêu trọng tâm của nền giáo dục mới, để tạo ra những thế hệ “Người Việt Mới” có năng lực sáng tạo công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hơn nhiều so với các thế hệ người Việt quá khứ và hiện tại. Có như thế, Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển.

Nhìn ra các quốc gia khác trên thế giới, hiếm có quốc gia nào giàu mạnh mà không có năng lực sáng tạo công nghệ tốt và nền sản xuất công nghiệp mạnh. Nông nghiệp, dịch vụ có thể giúp tăng thu nhập của người dân đến một mức độ nhất định, nhưng nếu muốn trở thành cường quốc, công nghiệp là mấu chốt. Trong điều kiện của nước ta, khi đất nông nghiệp đã được sử dụng hết và năng suất sản xuất nông nghiệp bị giới hạn bởi phương thức sản xuất thủ công của hộ gia đình, thiếu ứng dụng khoa học, công nghệ, rất khó có thể tạo thêm được động lực tăng trưởng kinh tế bằng nông nghiệp. Đối với một đất nước đang tiến tới dân số 100 triệu người, tiêu thụ hàng hóa công nghệ, công nghiệp phục vụ sản xuất và tiêu dùng ở mức độ khổng lồ, là một thị trường béo bở đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Nếu tiếp tục yếu kém về công nghiệp, nước ta khó cân đối được cán cân ngoại thương. Nhu cầu ngoại tệ ngày càng tăng để nhập khẩu hàng hóa công nghiệp sẽ đẩy nước ta đến tình thế gia tăng khai thác, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để có đủ ngoại tệ phục vụ nhập khẩu, rất nguy hiểm.

Để Nhật Bản từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp, Hoàng Đế Minh Trị đã cải cách sâu rộng giáo dục Nhật Bản theo phương Tây. Thời Minh Trị, Nhật Bản đã mạnh dạn thuê nhiều giáo viên người Âu, Mỹ vào dạy cho con em họ về công nghiệp. Hàn Quốc, Trung Quốc trong những thập kỷ qua cũng đầu tư mạnh vào giáo dục công nghệ, đến nay họ đã trở thành những cường quốc về công nghệ và sản xuất công nghiệp. Việt Nam cần chú trọng lĩnh vực giáo dục này trong chương trình giáo dục mới.

Các hoạt động giáo dục ngoại khóa/ngoài lớp học” chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT. Trong các hệ thống giáo dục tiên tiến, lĩnh vực này thường có tên gọi là “Co-Curricular Activities (sau đây gọi tắt là “CCA”)” – là các chương trình hoạt động, các hình thức sinh hoạt và trải nghiệm bổ trợ cho các kiến thức học sinh học ở lớp, đồng thời để phát triển năng khiếu cá nhân của học sinh về các lĩnh vực kiến thức mà học sinh không có điều kiện theo đuổi như sự nghiệp, nhưng lại có thể giúp ích cho học sinh phát triển thành những con người toàn diện hơn, hoàn thiện hơn. Lâu nay, chúng ta chưa làm tốt về CCA. Các hoạt động CCA trong giáo dục phổ thông nước ta chủ yếu là theo các chủ đề rời rạc, thay vì nhằm vào việc phát triển các năng khiếu của học sinh một cách có quá trình, có tính hệ thống. Ở các thành phố lớn, sự thiếu hụt về CAA phần nào được bù đắp bởi các câu lạc bộ năng khiếu (âm nhạc và các nghệ thuật biểu diễn; hội họa; thể thao; các năng khiếu, đam mê khác…) ở các nhà văn hóa thiếu nhi, nhưng ở các khu vực nông thôn thì không có các cơ hội như vậy cho học sinh. Mặc dù trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới có nêu lĩnh vực “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, tuy nhiên qua các nội dung tại văn bản, tôi thấy lĩnh vực này vẫn chưa thể hiện được sự thay đổi căn bản so với lĩnh vực hoạt động ngoài giờ lên lớp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, chưa thực sự tương xứng với những hoạt động được gọi là CCA trong các hệ thống giáo dục tiên tiến. Vậy tôi đề nghị bổ sung lĩnh vực giáo dục này (CCA) và thể hiện rõ nét trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (ngoài “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”).

Cuối cùng, với tư cách là một người quan tâm đến sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam, tôi sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo và các cơ quan Bộ GD-ĐT để có điều kiện trao đổi sâu hơn về các vấn đề liên quan. Tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều buổi hội thảo mở về Chương trình giáo dục phổ thông mới và đề án đổi mới giáo dục Việt Nam nói chung, để nhiều chuyên gia trong ngành, các nhân sỹ của đất nước và người dân quan tâm đến giáo dục Việt Nam có điều kiện trao đổi, thảo luận với Bộ GD-ĐT, tất cả vì một nền giáo dục tốt hơn cho các thế hệ người Việt Nam tương lai, vì sự hùng cường của đất nước Việt Nam.

Xin trân trọng cám ơn!

NGƯỜI GÓP Ý KIẾN VÀ ĐỀ XUẤT:
Lương Hoài Nam

Xem thêm:

- Đổi mới giáo dục phổ thông: Cần giải pháp và lộ trình phù hợp

- “Cỗ máy” sư phạm ì ạch với đổi mới

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.