Mở kỳ thi riêng
Thực hiện tự chủ tuyển sinh, nhiều đại học đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh trong năm 2021.
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức thông tin về việc sẽ tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào trong năm 2021 sau 4 năm dừng thực hiện. Trước đó, đơn vị này đã tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các năm 2015 và 2016. “Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh trung học phổ thông. Đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học”, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nói. Ông Sơn cũng yêu cầu các đơn vị đào tạo cần cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho hay sẽ tiếp tục tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy đã được trường này tổ chức từ mùa tuyển sinh năm 2020. Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần. Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút. Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Trong đó, phần Toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Phần Đọc hiểu có nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Ở phía Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Việt Đức cho hay tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như các năm trước đây. Đại học Quốc tế cho biết đang cân nhắc việc tổ chức thi riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, việc tuyển sinh nằm trong quyền tự chủ của các đại học để tuyển được đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình. “Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các trường tổ chức theo nhóm, kết quả sử dụng chung cho nhiều trường để thí sinh không phải dự nhiều kỳ thi. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực cho các trường, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả thí sinh và các trường,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Nhiều kênh xét tuyển
Mùa tuyển sinh năm 2021, tất cả các trường đại học đều tổ chức đa dạng phương thức tuyển sinh, gồm cả các trường có tổ chức thi riêng. Các phương thức được các trường sử dụng chủ yếu gồm xét theo điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo điểm học bạ, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế... Trong đó, phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là phương thức chủ yếu, chiếm phần lớn chỉ tiêu.
“Đây là kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và kết quả thi đảm bảo khách quan, tin cậy để các trường xét tuyển”, phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Cũng theo ông Điền, Đại học Bách khoa Hà Nội có ba phương thức xét tuyển, trong đó trường dành 30 đến 40% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm bài thi Kiểm tra tư duy, 10 đến 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng. Số lượng chỉ tiêu lớn nhất, từ 50 đến 60%, vẫn dành cho phương thức xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với phương thức xét tuyển tài năng, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế, xét tuyển hồ sơ học bạ kết hợp với phỏng vấn của trường.
Tương tự, Đại học Ngoại thương cũng dành phần lớn chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển theo điểm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, trường còn xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ .
Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh công bố 4 phương thức xét tuyển cho năm 2021 với khoảng 3.500 chỉ tiêu. Trong đó, trường dành tối đa 50% cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tối đa 40% cho phương thức xét tuyển theo học bạ, 5% cho phương thức tuyển thẳng. Năm 2021, trường tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển đầu vào với chỉ tiêu 5%.
Đại học Việt Đức sử dụng ba phương thức xét tuyển. Trong đó, bên cạnh điểm kỳ thi riêng cho trường tự tổ chức, Đại học Việt Đức sẽ xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển thẳng đối với các học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ sử đa dạng phương thức tuyển sinh, các trường cũng tổ chức tuyển thành nhiều đợt trong năm.
Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có đến 8 đợt nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh trong năm 2021 với hình thức xét tuyển bằng điểm học bạ. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 8/2021.
Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố 6 đợt nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm học bạ. Thời gian xét tuyển từ đầu tháng ba đến ngày 10/8.
Theo lãnh đạo các trường đại học, việc xét tuyển theo nhiều phương thức với nhiều đợt trong năm nhằm giúp cho các trường lựa chọn được thí sinh theo đúng nhu cầu đào tạo đồng thời giúp thí sinh có nhiều cơ hội đỗ vào trường mà các em mong muốn.
Thêm ngành học mới
Không chỉ đa dạng hóa kênh tuyển sinh, trong năm 2021, nhiều trường đại học cũng dự kiến mở thêm các ngành học mới để thu hút thí sinh và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mở 5 ngành học mới gồm Robot và trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, trường dự kiến sẽ mở thêm hai ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.
Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm các ngành mới như robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế tài nguyên thiên nhiên...
Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang làm thủ tục để mở thêm bốn ngành mới, gồm Hóa dược và hợp chất thiên nhiên, Kinh doanh thời trang và dệt may, Quản trị kinh doanh thực phẩm và Marketing.
Đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở tuyển sinh 5 ngành học mới gồm Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa.
“Việc mở thêm ngành mới nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội”, thạc sỹ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nói.