Hôm qua (2/8), tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về công tác phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra đề xuất phương án chia kỳ thi thành 2 đợt.
Theo đó, những địa phương không nguy cơ cao, sẵn sàng thi, đảm bảo tốt các vấn đề về an toàn, an ninh thì tổ chức thi theo kế hoạch vào ngày 9-10/8 tới đây. Còn các địa phương có nguy cơ cao, xác định chưa an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam… sẽ tổ chức thi vào đợt 2 sau đó.
Trước đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn và việc xét tuyển đại học diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, kỳ thi tốt nghiệ THPT vẫn sẽ diễn ra đầu tuần tới tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao nếu kỳ thi này được chia làm 2 đợt?
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay cần phải cân nhắc thật kỹ vì mục tiêu chính của kỳ thi vẫn là để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp bất khả kháng, việc xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể căn cứ vào kết quả học tập của THPT, như vậy mục tiêu thứ nhất có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, vì nhiều trường ĐH chỉ dùng kết quả thi THPT để xét tuyển nên nhìn chung, kỳ thi có ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển sinh các trường. Do vậy các trường ĐH cần sẵn sàng các phương án thay thế.
PGS Bùi Hoài Thắng cho rằng để xét tốt nghiệp thì không cần thi lần 2 mà nên đặc cách. Ông Thắng cũng chỉ ra những vấn đề phức tạp nếu phải thi đợt 2 như sự tương đồng về độ khó giữa 2 lần thi làm mất công bằng trong xét tuyển.
Thời điểm thi lần 2 trễ càng lâu sẽ ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh, kế hoạch học tập các trường và của sinh viên. Nếu các trường đợi lần 2 thi xong để xét chung sẽ làm chậm lịch giảng dạy. Nhưng nếu tách thành 2 đợt tuyển sinh khác nhau thì rất khó khăn trong phân bổ chỉ tiêu giữa 2 đợt và vẫn ảnh hưởng kế hoạch học tập của các trường.
“Cho dù tổ chức 2 lần thi thì vẫn còn một số em vì sẽ được đặc cách tốt nghiệp. Các trường vẫn cần sẵn sàng cho tình huống này”, ông Thắng nói.
Sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh đợt 2
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng mặc dù việc chia kỳ thi thành 2 đợt sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, nhưng đây vẫn là giải pháp an toàn nhất trong thời điểm hiện tại.
Nếu phương án thi này được áp dụng, Trường ĐH Thương mại sẽ căn cứ vào tỉ lệ các vùng tuyển sinh của nhà trường để dành chỉ tiêu cho những thí sinh thuộc vùng phải thi đợt 2.
“Cụ thể, nếu chỉ có 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong danh sách thi đợt hai thì sẽ không ảnh hưởng nhiều do đây không phải vùng tuyển sinh của nhà trường. Chúng tôi sẽ rà soát lại vùng tuyển sinh, thống kê và sẵn sàng bớt lại phần chỉ tiêu phù hợp để tuyển sinh riêng, tránh thiệt thòi cho thí sinh ở các vùng đó”.
Theo ông Sơn, nhà trường cũng đã sẵn sàng phương án khác là xét tuyển bằng học bạ.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc chia kỳ thi tốt nghiệp thành 2 đợt là hợp lý và trường sẽ dành chỉ tiêu cho những em thi vào đợt 2.
“Hiện tại chúng tôi đã thống kê thí sinh của các tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng đăng ký vào và sẽ căn cứ trên tỷ lệ đăng ký để chia chỉ tiêu cho đợt 2 phù hợp. Về lý thuyết, thi bao nhiêu lần thì độ khó của đề thi cũng sẽ tương đương như nhau. Do vậy sẽ không có sự thiệt thòi hay mất công bằng nào”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc tuyển sinh làm 2 đợt từ kết quả thi tốt nghiệp không ảnh hưởng tới kế hoạch học tập. Dự kiến, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bắt đầu học kỳ I năm học 2020-2021 từ ngày 5/10. Thời gian thực học rút từ 15 xuống 12 tuần do kết hợp dạy trực tuyến.
Còn ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn phân vân: “Các trường ĐH sẽ xét tuyển đợt 1 và chỉ tiêu như thế nào? Thời gian tuyển sinh đợt 1 từ ngày 9/9 - 18/9 có dời lại không. Và nếu dời thì tất cả các trường phải đồng loạt mới công bằng”.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở quận 5 đồng tình khi chia kỳ thi tốt nghiệp làm 2 đợt. “Thi tốt nghiệp 2 lần thì xét tuyển đợt 1 cũng phải làm 2 lần. Sau mỗi đợt thi tốt nghiệp thì các trường xét tuyển đại học”- ông nói.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết đến giờ phút này, mặc dù chưa có quyết định chính thức về việc chia kỳ thi thành 2 đợt, nhưng dù hình thức thi như thế nào, nguyên tắc của nhà trường vẫn là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi này, bởi việc chia theo đợt sẽ đảm bảo an toàn cho mọi thí sinh. Trong trường hợp phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, chúng tôi sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt. Xong đợt nào, nhà trường sẽ xét tuyển đợt ấy. Điều này không có gì quá khó khăn, phức tạp”.
ĐH Quốc Gia Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội thì cho hay vẫn đang chờ quyết định chính thức từ Chính phủ và Bộ GD-ĐT để lên phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh năm nay.