Hàng loạt các chương trình hấp dẫn
Nhắc đến Di tích nhà tù Hỏa Lò, giới trẻ thường nhắc đến hành trình Đêm Thiêng liêng – mỗi tour đêm như những chuyến tàu bền bỉ vượt không gian, thời gian đưa công chúng về quá khứ với mong đợi lan toả lòng biết ơn qua những trải nghiệm đáng nhớ. Nhưng với những em bé mầm non, tiểu học, Di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi em được làm quen với chương trình “Em học làm thuyết minh”. Một chương trình bổ ích giúp khơi dậy đam mê học và tìm hiểu lịch sử, khích lệ sự tự tin, khả năng thuyết trình trước đám đông cho trẻ nhỏ.
Giờ trẻ em lớp mầm, lớp chồi - đội ngũ măng non bé bỏng nhất xã hội đã không còn xa lạ gì với các khu di tích lịch sử - nơi vốn uy nghiêm khó có thể “lấy lòng” được bọn trẻ. Nhưng nay đã khác.
Cánh cổng của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám lúc nào cũng mở rộng đón các em đến với “Lớp học xưa”. Hai lớp học khác cũng hấp dẫn không kém tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”, mang đến một hướng tiếp cận mới giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Sân chơi thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã kéo được lượng khách nhí đông đảo đến với địa chỉ này.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: “Để ngày càng thu hút khách tham quan, trung tâm đã ký hợp tác với ngành văn hóa Thủ đô đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản. Nhờ đó lượng học sinh tham gia giáo dục di sản tại đây tăng lên 19 nghìn lượt/mỗi năm, trong khi trước đó chỉ chưa đến 4 nghìn lượt...”.
Tương tự, Bảo tàng Hà Nội sáng tạo đủ các workshop làm tranh sơn mài, làm đồ thủ công ghép từ vải vụn… cho trẻ nhỏ với các nội dung gần gũi với văn hóa truyền thống, lịch sử Hà Nội và đất nước. Theo một đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiết lộ, đơn vị này đã tổ chức khoảng 300 buổi học với hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả học sinh Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Với kinh nghiệm và thành công bước đầu, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới, sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ, đồng thời luôn cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức giáo dục.
Bảo tàng Dân tộc học đón nhiều thiếu nhi đến thăm quan. |
Song song với hoạt động giáo dục văn hóa tích cực từ phía các bảo tàng, di tích lịch sử, từ tháng 1-5/2023, tất cả các trường học trên cả nước sẽ triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại các bảo tàng cấp tỉnh. Đây là một trong những nội dung của Quyết định 2752 năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nhằm triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa. Ngoài ra, một số bảo tàng cấp tỉnh tiêu biểu có đủ điều kiện cả về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sẽ triển khai thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online”.
Đẩy mạnh giáo dục văn hóa
Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa bước vào năm đầu tiên 2022-2023 đang được nhiều trường học cũng như phụ huynh hưởng ứng. Nó phù hợp với định hướng chung đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đi đôi với chương trình giáo dục hiện hành. Công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa nhằm mục đích lớn nhất là giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Theo ThS Hà Đỗ Quyên, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Với vị thế là một kinh đô lâu đời, Thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam trong mỗi con người Hà Nội. Hà Nội ngày nay đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đó, xây dựng con người Hà Nội văn minh là yếu tố cốt lõi góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng văn minh đô thị Hà Nội.
“Con người Hà Nội văn minh không chỉ hướng tới các giá trị hiện đại, tân tiến mà còn là những con người hiểu, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Hà Nội là vùng đất kết tinh, lưu giữ tinh hóa văn hóa của cả dân tộc. Những giá trị văn hóa đó vừa là đặc trưng riêng có của vùng đất ngàn năm văn hiến, vừa là động lực, nguồn tài nguyên vô giá để phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô”, ThS Hà Đỗ Quyên nhấn mạnh.
Giáo dục di sản trong di tích, bảo tàng đã thu được một số tín hiệu tích cực, tuy nhiên, đây là hoạt động mang tính lâu dài, là cả quá trình chứ không thể “ăn xổi” một hai lần rồi thôi. Muốn việc giáo dục di sản có được hiệu quả cao hơn nữa, hình thức hấp dẫn, phong phú hơn nữa, rất cần có sự chung tay từ nhiều phía, bao gồm sự nghiên cứu đầu tư, tổ chức dài hơi của các đơn vị quản lý; tính sáng tạo, chủ động của cán bộ bảo tàng, di tích; sự phối hợp tư vấn của nhà chuyên môn văn hóa, giáo dục… từ đó góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của khách tham quan, giới trẻ và học sinh về các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.