Nhiều áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Trước tình trạng học sinh tăng cao mỗi năm, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp của Thành phố Hồ Chí Minh luôn gặp nhiều áp lực trong việc giải quyết chỗ học cũng như trong công tác tuyển sinh ở các địa phương, trường. Cùng với thực hiện mục tiêu đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, ngành Giáo dục Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới trong công tác tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (Quận 9) trong ngày khai giảng. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (Quận 9) trong ngày khai giảng. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN

Áp lực chỗ học

Thời điểm này, các địa phương đã bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở và Mầm non. Theo thống kê ở một số địa phương, năm học tới, dự kiến số học sinh lớp 1 có tăng nhẹ nhưng số học sinh lớp 6 tăng khá cao. Nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh trên địa bàn trong điều kiện trường lớp xây dựng không theo kịp số học sinh tăng, các địa phương phải tính toán đến các giải pháp tình thế như tăng sĩ số lớp học, giảm lớp học 2 buổi/ngày.

Quận Gò Vấp, dự kiến năm học 2023 - 2024 có trên 6.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở, nhưng có tới khoảng 9.500 học sinh vào lớp 6. Trước áp lực về chỗ học cho học sinh vào lớp 6, quận đang tính các giải pháp để đáp ứng chỗ học cho học sinh trên địa bàn. Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, để có đảm bảo chỗ học cho học sinh lớp 6, các khối lớp trên sẽ phải tăng sĩ số. Dự kiến năm học tới, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bậc Trung học Cơ sở sẽ phải giảm xuống để nhường phòng học cho khối lớp 6. Phòng đang tính toán triển khai dạy 2 buổi/ngày kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp theo chủ trương chung.

Cũng như nhiều quận, huyện khác ở Thành phố, Gò Vấp đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu thực tế. Với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học mà Thành phố đề ra, cuối năm 2022, quận Gò Vấp mới đạt 205 phòng, phấn đấu đến năm 2025, quận cũng chỉ dự kiến có thể đạt được 220 phòng học/10.000 dân. Theo lãnh đạo UBND quận, khó khăn lớn nhất đó là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng để có đất triển khai dự án xây dựng trường học.

Vào mỗi mùa tuyển sinh, Quận 12 cũng là địa bàn luôn căng thẳng trong vấn đề đảm bảo chỗ học cho học sinh trên địa bàn bởi áp lực tăng học sinh cao. Năm học 2023 - 2024, quận có hơn 10.000 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, quận dự kiến tuyển 211 lớp 6, trong đó chỉ có 44 lớp được học 2 buổi/ngày. Áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh rất lớn nhưng công tác xây dựng trường lớp tại quận cũng gặp khó. Khó nhất là thiếu quỹ đất, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục đầu tư công. Đến cuối năm 2022, toàn quận mới đạt 235 phòng học/10.000 dân. Theo kế hoạch, đến năm 2025, quận hoàn thành được 23 dự án trường học với 591 phòng học mới, sẽ đạt 240 phòng học/10.000 dân.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ xây dựng trường lớp không theo kịp số học sinh tăng cao hằng năm khiến việc thực hiện mục tiêu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày của Thành phố khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn. Áp lực về cơ sở vật chất lớn nhất tập trung ở cấp học Tiểu học và Trung học Cơ sở. Hiện cấp Tiểu học đạt 80,66% học sinh học 2 buổi/ngày, cấp Trung học Cơ sở đạt 76,03%. Tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương, có những địa phương đạt dưới 50%. Nhiều quận, huyện có nhiều trường Tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp. Điều này làm hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Đổi mới công tác tuyển sinh

Nhiều áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp ảnh 1

Học sinh lớp 9 Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) ôn thi lớp 10. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN

Dự kiến, năm học 2023 - 2024, Quận 8 sẽ có hơn 4.600 học sinh vào lớp 1, trên 4.400 học sinh vào lớp 6 và trên 3.800 trẻ vào lớp mầm non 5 tuổi. Năm nay, cùng với quận Tân Bình và thành phố Thủ Đức, Quận 8 sẽ thí điểm tuyển sinh đầu cấp áp dụng bản độ địa lý (GIS), học sinh sẽ được bố trí học gần nơi cư trú nhất mà không phân tuyến theo địa giới hành chính phường. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của UBND quận, 100% các đơn vị công lập xây dựng phương án tuyển sinh trực tuyến thông qua bản đồ GIS. Mỗi điểm trên bản đồ là một trường, đảm bảo học sinh được học tại trường gần nơi cư trú. Quận phấn đấu tất cả các trẻ trong độ tuổi đều phải được khai báo, cập nhật thông tin lên hệ thống trục cơ sở dữ liệu, trong đó “nơi ở hiện tại” cần được rà soát và cập nhật chính xác.

Theo đó, phụ huynh đăng ký tuyển sinh trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn bằng mã định danh của học sinh. Sau thời gian thực hiện các thao tác thử nghiệm, từ ngày 11 - 31/5, phụ huynh kiểm tra thông tin và đăng ký tuyển sinh chính thức. Từ ngày 20 - 29/7, phụ huynh xem kết quả và xác nhận nhập học. Ngày 1/8, các trường công bố danh sách tuyển sinh.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8 cho biết, sau thời gian phụ huynh hoàn tất bước đăng ký tuyển sinh trên hệ thống trực tuyến (31/5), từ dữ liệu trên hệ thống, căn cứ vào thực tế cư trú của học sinh, phần mềm tuyển sinh sẽ quét dữ liệu. Nơi cư trú của học sinh với trường nào gần nhất sẽ sắp xếp học sinh sẽ học trường đó. Là năm đầu tiên thực hiện thí điểm có thể sẽ phát sinh những vướng mắc nhất định, quận đã tính toán các phương án giải quyết, nhất là trong vấn đề phụ huynh muốn con học trái tuyến.

Cụ thể, trong kế hoạch tuyển sinh năm nay, quận thực hiện tuyển sinh trước ở 3 trường theo mô hình tiên tiến (Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở). Đây là các trường xét tuyển không phân biệt địa giới hành chính nên phụ huynh có thể đăng ký tuyển sinh vào các trường này. Ngoài ra, các phụ huynh nếu có nhu cầu cho con học trái tuyến (xa nơi cư trú) vì điều kiện gia đình, sẽ gửi yêu cầu lên trường hoặc Phòng. Sau khi các trường hoàn tất công tác tuyển sinh theo bản đồ GIS, Phòng sẽ xem xét đề nghị của phụ huynh, nếu phù hợp và trường còn chỉ tiêu sẽ được bố trí chỗ học.

Ứng dụng bản đồ GIS được đánh giá là bước đột phá trong công tác tuyển sinh đầu cấp, vừa tạo thuận lợi cho học sinh đến trường vừa giảm áp lực trong khâu tuyển sinh, hạn chế tình trạng chạy trường, quá tải trường, lớp. Cùng với việc thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS, năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp ở tất cả các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, tạo thuận lợi cho phụ huynh và các trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm đầu tiên thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến có thể phụ huynh còn bỡ ngỡ. Do đó, quy trình tuyển sinh có thêm giai đoạn đăng ký thử nghiệm trước khi chính thức. Cụ thể, tùy kế hoạch của từng địa phương, từ ngày 12/5 đến 5/6, các Phòng chỉ đạo các trường hướng dẫn cha mẹ học sinh truy cập vào trang tuyển sinh đầu cấp để thực hiện đăng ký tuyển sinh bằng mã định danh. Giai đoạn này phụ huynh học sinh tiến hành rà soát lại các thông tin của học sinh nếu có sai sót thì báo cáo trực tuyến trên hệ thống để điều chỉnh phù hợp. Sau giai đoạn này, các thông tin đăng ký tuyển sinh sẽ được làm mới và cha mẹ học sinh sẽ chính thức đăng ký tuyển sinh theo kế hoạch của địa phương.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).