Nhưng bất ngờ thay, thời gian gần đây nhiều khách hàng phản hồi bà Thảo đã có phần thay đổi tính nết và mến khách hơn.
Không còn cảnh “thượng đế” rồng rắn xếp hàng
Bán bún từ năm 1982, khoảng 10 năm trở lại đây, quán bún của bà Thảo chuyển ra mặt đường Ngô Sĩ Liên. Trước đây, bà Thảo bán bún ở giữa chợ “khi ấy tôi còn nói nhiều, nóng tính hơn bây giờ”, dứt lời, bà lại thoăn thoắt thêm sườn, móng giò vào bát bún cho khách.
Năm 2016, quán “bún chửi” của bà Thảo xuất hiện trong chương trình ẩm thực nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ (CNN). Ngay sau đó, đoạn video đã trở thành đề tài gây cãi ở Việt Nam.
Lượng khách đến quán khi ấy tăng lên gấp đôi, vào giờ cao điểm thực khách còn phải xếp hàng để thưởng thức. Dù bún ở quán bà Thảo được đánh giá là thơm ngon, đậm đà hơn so với những nơi khác song bà cũng nhận về không ít phàn nàn bởi những câu "chửi" khách đi vào huyền thoại.
“Đứng đấy làm gì nóng lắm. Mà gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi lâu thế”.
“Nhưng mà nhà chị không có mọc. Em thích mọc em ra ngoài chợ ấy, ngoài chợ đầy mọc”.
“Thôi tốt nhất là đi về nhà nấu lấy ăn nhá. Ở đây không nấu. Đi luôn”.
“Bát bún 40 nghìn còn hỏi gì nữa. Ăn xong mặt như mất sổ đỏ. Không ăn được thì biến”.
“Ra nhà nghỉ mà ăn. Ở đây không có chỗ nghỉ”.
Gần một năm trở lại đây, quán bún của bà Thảo vắng khách hơn, không còn cảnh xếp hàng, chen chúc. "Một phần do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, người dân hạn chế tụ tập, phần vì “thực khách ngày một “sành ăn” hơn, có nhiều lựa chọn địa điểm quán ăn đẹp, nhân viên phục vụ đông”, bà Thảo cho hay.
Đều đặn 2 lần/ 1 tuần, anh Ngô Thế Hoàng, (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) đến ăn bún tại quán của bà Thảo, thói quen này anh đã duy trì hơn chục năm nay.
Anh Hoàng cho biết, gần đây quán đã bớt đông đúc hơn: “Bún của cô rất chất, bao nhiêu năm vẫn giữ nguyên vị đấy, từ trong chợ ra đến ngoài mặt đường này. Dạo gần đây khi đến ăn tại quán tôi thấy khá vắng vẻ, không phải chờ đợi, xếp hàng”.
Anh Hoàng cũng tiết lộ thêm về tính cách của bà Thảo: “Thời gian gần đây tôi thấy bà thay đổi khá nhiều, ngày xưa ngồi ở giữa chợ bà còn không trả lời những khách khó tính, giờ bà tươi vui nhẹ nhàng hơn”.
Bà Thảo lý giải thêm, phần lớn thực khách đến quán của bà là khách quen, có những người ăn bún từ thời còn đi học, giờ đã “lên chức” ông bà rồi vẫn thường xuyên tới quán. Nhiều người vì tò mò nên đã lặn lội từ khắp tỉnh thành đến quán ăn thử, khi dư luận lắng xuống, quán bún chửi cũng “im ắng” hơn.
Không còn cảnh thực khách phải xếp hàng trước cửa quán để ăn bún chửi |
Tôi đã kiềm chế nhiều
Bà Thảo tự nhận mình là người nóng tính, ăn nói có phần cụt ngủn, bỗ bã, nhưng là bản chất nên bà khó bỏ, cộng với tính chất công việc bán hàng ăn mà bà gọi là nghề “làm dâu trăm họ”.
Sau những lần nổi tiếng trên mạng xã hội bởi thương hiệu “khó đỡ” của mình, bà Thảo cũng nhận được nhiều lời góp ý từ khách quen và người thân nên dần “cai chửi”: “Giờ tôi kiềm chế nhiều rồi, khách cũng “dễ chiều” hơn, già rồi nên tính tình bớt nóng nảy hơn thời trẻ”, bà Thảo bộc bạch.
Là khách quen của quán bún, bà Dương Thị Kim Hoan (Ngõ Văn Chương, Đống Đa) cho biết: “Tính bác ấy chỉ nóng nảy khi khách họ hỏi linh tinh, chứ bình thường vui vẻ, niềm nở lắm”.
Nhận ra khách quen, và nắm được “sở trưởng” của khách, bà Thảo vừa làm bún vừa hỏi.
“Ăn gì em ơi, thập cẩm à”?
“Nay bà cho cháu bát sườn thịt”, vị khách đáp lại rồi kéo ghế ngồi chờ.
Bà Thảo không quên bông đùa tiếp “Nay không uống rượu à, sợ vợ biết à?”.
Thực khách mà bà Thảo hỏi bông đùa là anh Vũ Khắc Toàn (Lê Duẩn, Hà Nội), anh cũng cho biết, không phải khách nào bà Thảo cũng mắng chửi, mà đều có lí do, “ngược lại tôi thấy bà ấy rất vui tính, hay đùa”.
Là nhân viên phục vụ cho quán “bún chửi” đã hơn 26 năm, chị Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Tôi làm ở đây từ khi 15 tuổi, đến nay đã hơn 26 năm. Bà khá dễ tính, nói xong lại thôi, không để bụng, thù hằn ai”.
Còn những thực khách khó chiều thì bà Thảo vẫn chưa thể “cai” triệt để những cơn nóng giận, nhưng bà hứa sẽ hạn chế đến mức tối đa để không làm ảnh hưởng những khách hàng khác khi đến thưởng thức món ăn.