Vị thế của Việt Nam

Bạn có thể bắt gặp những lời chúc vì hòa bình ở bất kỳ đâu trong những ngày này. Hiếm có khi nào mà khái niệm quen thuộc “hội nghị thành công tốt đẹp” lại có ý nghĩa sâu sắc và thực tế đến thế tại Hà Nội -nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Hội nghị thành công tốt đẹp, có nghĩa là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nghĩa là CHDCND Triều Tiên có thể trở thành một quốc gia mở cửa, không còn lệnh cấm vận và trừng phạt, nghĩa là no ấm và thịnh vượng.

Nhưng ngoài những ý nghĩa rõ ràng với Mỹ và CHDCND Triều Tiên, thì có một câu hỏi cần được trả lời: Nội hàm của hội nghị lần này, với chính Việt Nam là gì?

Bạn sẽ dễ dàng trả lời rằng việc chọn Việt Nam là nước chủ nhà thể hiện "vị thế trên trường quốc tế", "sự yêu chuộng hòa bình" hay là "lòng hiếu khách". Nhiều thông điệp như vậy đã được bắn đi những ngày qua. Nhưng đó chỉ là lớp nghĩa của một sự kiện kéo dài hai ngày. Những cái bắt tay giữa Kim Jong Un và Donald Trump, nếu nồng ấm, tạo ra một chân trời sự kiện có ý nghĩa trong hàng thập kỷ tới, và có những lớp nghĩa sâu hơn.

Tôi đề xuất một lớp nghĩa khác, xa xôi hơn, hoặc có thể bạn cho là viển vông, để chúng ta cùng suy nghĩ: Hội nghị lần này, nếu thực sự thành công, nếu mọi thứ đi theo đúng hướng "vì hòa bình" mà tất cả đang cầu chúc, sẽ dẫn tới việc dòng vốn từ Hàn Quốc dịch chuyển lên phía Bắc vĩ tuyến 18.

Những người quan tâm hẳn vẫn nhớ rằng trong chuỗi sự kiện ngoại giao đột phá mà ông Kim Jong Un tạo ra cùng các tổng thống Moon Jae In và Donald Trump năm ngoái, thì một trong những tín hiệu hòa bình được chú ý nhất, chính là việc phó chủ tịch tập đoàn Samsung sang thăm Bình Nhưỡng. Trong đoàn hôm đó, có cả lãnh đạo của Posco và Hyundai, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc.

Tất nhiên đó là tín hiệu rất sơ khai, nhưng là một chỉ hướng rõ ràng: hòa bình, hay thậm chí là mong ước thống nhất hai miền Triều Tiên, sẽ được bắt đầu bằng các hoạt động đầu tư kinh tế từ phía Nam lên phía Bắc. Những cái bắt tay tại Hà Nội 2019 nếu thực sự có ý nghĩa, sẽ mở ra một thị trường 14 triệu lao động, tương truyền rằng rất có kỷ luật và chăm chỉ, giá nhân công rất đáng kỳ vọng với các nhà đầu tư. Họ có thể phát triển "theo mô hình Việt Nam", vài người gợi ý.

Năm 2014, tôi thăm Myanmar lần đầu tiên. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi đến một quốc gia nghèo hơn Việt Nam. Khi ấy, dù mang tiếng "mở cửa" được mấy năm, nhưng quân đội trên thực tế vẫn nắm quyền, và tốc độ phát triển của Myanmar chưa bùng nổ.

Tôi đứng trong một siêu thị ở Yangon, kiểu cửa hàng tạp hóa rất sơ khai mà ta bắt gặp ở Việt Nam những năm 2000. Tôi nhìn thấy trên kệ những thương hiệu bánh kẹo của Việt Nam được bày trọng thị trong tư cách "hàng ngoại". Trong suốt nhiều năm kể từ khi có nhận thức, tôi đã luôn mang thứ tự ti của một "nước nghèo". Nhưng cái gói bánh đó bỗng nhiên trở thành một cú đấm thay đổi nhận thức. Tôi nhận ra Việt Nam quê mình không còn ở dưới đáy, mà đang ở đâu đó lưng chừng đỉnh núi kinh tế thế giới, và đang tiếp tục leo lên.

Không ai có thể nhận ra Yangon nếu quay lại sau vài năm. Quốc gia mới mở cửa phát triển với một tốc độ chóng mặt, khắp thành phố là màu xanh lá cây của những tấm lưới bảo hộ công trình, cao ốc mọc lên như nấm. Và tất nhiên, 25 triệu lao động nước này chờ đón các nhà đầu tư quốc tế. Hàng tỷ USD mỗi năm đổ vào ngành gia công và may mặc của Myanmar. Một kịch bản rất quen thuộc: chúng ta đã từng trải qua nó hơn một thập kỷ trước.

Sau hai mươi năm mở cửa, khi nhìn lại, hóa ra Việt Nam đã thành "quốc gia đi trước" so với nhiều nước. Và bây giờ chúng ta sẽ có áp lực của một người đi trước.

Xu hướng mở cửa và tự do hóa thị trường đang trở thành tất yếu. Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, nhiều bang tại Ấn Độ và Pakistan, đang hoàn thiện thể chế thị trường để học theo các "quốc gia đi trước", và họ đang tiếp thị với thế giới hàng trăm triệu lao động có giá rẻ hơn Việt Nam. Danh sách các quốc gia sắp gia nhập sân chơi chung sẽ còn nối dài.

Một trong những nội hàm của hội nghị lần này, là việc một quốc gia châu Á nhiều lợi thế địa lý có thể sẽ mở cửa nền kinh tế. Và Việt Nam, khi nghĩ đến tư cách người đi trước, phải trả lời câu hỏi, rằng sau hơn 20 năm, khi chúng ta tận dụng hết dư địa của cái hành vi "mới mở cửa" ấy rồi, qua tuổi dân số vàng và không còn lợi thế về sức lao động giá rẻ nữa rồi, phải làm gì tiếp theo.

Các học giả xếp Việt Nam vào những bản danh sách rất ấn tượng. "Next Eleven" – nhóm 11 nền kinh tế sẽ dẫn đầu tốc độ tăng trưởng toàn cầu, cùng với Indonesia hay Philippines. "EAGLEs" (Đại bàng) – viết tắt của "Các nền kinh tế mới nổi và dẫn đầu tăng trưởng". Vậy phải làm gì để giữ chỗ "đại bàng" nếu không phải là da giày và dầu thô?

Việt Nam, hôm nay đóng vai một nhà điều phối hòa bình thế giới, tạo ra sân khấu cho một nền kinh tế khác nắm bắt cơ hội hòa nhập. Và đó là lúc chúng ta nghĩ về pha tiếp theo của phát triển, để thực sự lên một vị trí mới trên thế giới, thay vì chấp nhận vai "công xưởng". Myanmar, CHDCND Triều Tiên hay thậm chí là nhiều vùng Ấn Độ có thể sẽ mất thêm mười năm hoặc hơn nữa để hoàn thiện thể chế, pháp luật lao động và đầu tư, để trở thành một "công xưởng" xịn. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu nghĩ về pha tiếp theo từ bây giờ, có thể sẽ quá muộn.

Trong pha tiếp theo này, rất dễ tưởng tượng, nền kinh tế phải duy trì tốc độ tăng trưởng bằng công nghệ, các ngành sản xuất có giá trị thặng dư cao; bằng phát minh, sáng chế và kinh tế tri thức. Kịch bản đó dễ tưởng tượng nhưng không dễ thực hiện. Tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào gia công và xuất khẩu tài nguyên.

Ngày mà chúng ta hân hoan chuyển giao việc lắp ráp và khâu giày cho những nước đi sau, gần hay xa?

Đức Hoàng 

Theo Vnexpress
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.