Trao đổi với báo chí chiều 16/1, ông Nguyễn Tuấn Khải (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học công nghệ) cho biết cơ quan chức năng của Việt Nam đã gửi yêu cầu thiết lập hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân qua đường chính thức, hiện đang chờ phản hồi của Trung Quốc.
Theo ông Khải, trong cuộc làm việc với người đồng cấp Trung Quốc vào tháng 12 vừa qua, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nêu đề xuất lập kênh trao đổi về công nghệ điện hạt nhân giữa hai nước, phía Trung Quốc ghi nhận ý kiến này.
Liên quan đến việc ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc vừa đi vào hoạt động có vị trí gần Việt Nam, ông Nguyễn Hào Quang (Phó viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử) cho biết UBND tỉnh Quảng Ninh đã xin Chính phủ nâng cấp trạm quan trắc phóng xạ trên địa bàn từ cấp địa phương lên quy mô trạm vùng. Tuy nhiên, theo ông Quang, việc quan trắc phóng xạ phải đặt trong tổng thể. Bộ Khoa học công nghệ đánh giá mạng lưới quan trắc theo thiết kế đã đủ đáp ứng phục vụ cảnh báo, ứng phó với sự cố phóng xạ trong nước cũng như ngoài biên giới.
"Chúng tôi nghĩ không cần thiết nâng cấp trạm quan trắc địa phương lên vùng", ông Nguyễn Hào Quang nói và thông tin thêm, Bộ Khoa học đề nghị Chính phủ vẫn giữ trạm quan trắc ở Quảng Ninh theo quy mô địa phương.
Vừa qua, 3 nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến 20/9/2016 Trung Quốc có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, tổng công suất là 31.617 MW. Bên cạnh đó nhiều tổ máy khác đang và sẽ được xây dựng. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng, quốc gia này dự kiến vận hành 100 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030 và 170 nhà máy với công suất 195.000 MW vào năm 2050.