Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo và đại diện đến từ 16 tỉnh/thành phố thuộc khu vực Miền Trung. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng và ông Bùi Hoàng Minh – Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Thừa Thiên Huế là những diễn giả đặc biệt của hội thảo.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này được gọi tắt là Đề án 06 và cũng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại của chính quyền các tỉnh/thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng chia sẻ:“Chuyển đổi số là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển; trong đó, Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt và tạo đột phá trong chuyển đổi số. Việc xây dựng CSDLQG về dân cư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội.”
Tại hội thảo, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư đã làm rõ các định hướng, mục tiêu và mô hình triển khai Đề án 06 tập trung vào 5 nhóm tiện ích là phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Ông Tuấn cho biết đã có 42 địa phương ký ban hành kế hoạch, 12 đơn vị đăng ký triển khai đủ 43 mô hình điểm trong đó có TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Với những thành quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi số, Đà Nẵng và Huế cũng là 2 địa phương có chỉ số DTI (Bộ chỉ số chuyển đổi số của Bộ TT&TT) trong top 5 toàn quốc 3 năm liên tiếp. Tại hội thảo, lãnh đạo Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng là ông Trần Ngọc Thạch và Giám đốc Trung tâm IOC Huế là ông Bùi Hoàng Minh đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình triển khai các mô hình, ứng dụng tại địa phương, về cách làm hay đã được thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Được xác định là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Viettel thực hiện sứ mệnh "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số", Viettel Solutions những năm qua đã đầu tư nhiều nguồn lực vào hạ tầng, công nghệ và con người để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ ngành và Doanh nghiệp trong cuộc cách mạng số của quốc gia. Với vai trò là nhà tư vấn chuyển đổi số, cung cấp giải pháp công nghệ, Viettel hiện có đẩy đủ năng lực để triển khai ứng dụng công nghệ cho gần 30 mô hình thuộc Đề án 06. Tại hội thảo, các chuyên gia của Viettel Solutions đã giới thiệu một số bộ giải pháp ứng dụng vào các mô hình này.
Trong lĩnh vực y tế, Viettel cung cấp các giải pháp phục vụ khám chữa bệnh sử dụng Qrcode, CCCD, VNeID và sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ. Giải pháp camera thông minh dựa trên dữ liệu dân cư cũng là một sản phẩm được Viettel mang đến hội thảo với công nghệ AI trong giám sát xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội, kiểm soát ra/vào khu công nghiệp, nhà ga, bến tàu, các cơ sở kinh doanh, sát hạch lái xe,…
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đại diện Viettel Solutions đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công dân số trong triển khai đề án. Đây là một kênh tương tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền, giúp tiếng nói của người dân đến với lãnh đạo chính quyền kịp thời, giúp các cơ quan tiếp cận thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và tối ưu nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, giám sát. Như vậy, ứng dụng Công dân số của Viettel sẽ có thể được áp dụng hiệu quả vào mô hình đảm bảo điều kiện công dân và chuẩn hoá xác thực tập trung (SSO) nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP).
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Thành Công – Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions nhấn mạnh: “Để nhanh chóng có được sự hiệu quả, khai thác sớm lợi ích, các giá trị mang lại, đảm bảo khai thác an ninh an toàn của triển khai Đề án 06, khuyến nghị các địa phương ưu tiên một số nội dung thiết yếu trước là linh hoạt sáng tạo, tuỳ theo đặc điểm địa phương; kết hợp năng lực của cơ quan, doanh nghiệp, phát huy tổ công nghệ số cộng đồng; chọn lựa các mô hình dễ triển khai trước, ít đầu tư làm trước.”
Trong khuôn khổ của hội thảo, đoàn đại biểu cũng được thăm quan Trung tâm điều hành thông minh IOC Đà Nẵng. Đây là IOC đầu tiên được Viettel Solutions triển khai theo mô hình chính quyền đô thị toàn diện từ cấp Thành phố đến quận huyện bao gồm IOC thành phố, 07 trung tâm điều hành (OC) quận huyện và 02 OC chuyên ngành (giao thông, an ninh trật tự), ứng dụng kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông.