Kỳ vọng thành lập Trung tâm Trí tuệ Môi trường - nơi giám sát và đưa ra các giải pháp mới cho tương lai về các vấn đề cấp thiết như biến đổi khí hậu, môi trường. Nơi mà mọi người và các đối tác nghiên cứu trên khắp thế giới đến, làm việc về các vấn đề của Việt Nam, liên quan đến Việt Nam. GS Laurent El Ghaoui là Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đồng thời là Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường ĐH VinUni đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị nhân dịp đầu năm học mới.
- Thưa Giáo sư (GS), được biết GS là người đưa ra ý tưởng thành lập Trung tâm Trí tuệ Môi trường tại VinUni? GS có thể cho biết chi tiết hơn về trung tâm này?
Các vấn đề như biến đổi khí hậu, thích ứng khí hậu và môi trường đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam - quốc gia đang có tốc độ phát triển vượt bậc. Do đó, nhu cầu giám sát và đưa ra các giải pháp mới cho tương lai là rất cấp thiết. Nhiệm vụ trước hết của trung tâm là giám sát môi trường. Phòng thí nghiệm thực tế ngay tại khuôn viên nhà trường. Đây là nơi mà mọi người và các đối tác nghiên cứu trên khắp thế giới đến, làm việc về các vấn đề của Việt Nam, liên quan đến Việt Nam. Là nơi mà các trường đối tác có thể thử nghiệm các giải pháp của họ. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng này, chúng tôi sẽ phải giải quyết 2 thách thứ: mời tài trợ từ những tổ chức nước ngoài; thuyết phục các đối tác nước ngoài gửi sinh viên và giáo sư tới VinUni để hợp tác.
- GS từng nói ông thấy mình có nhiều việc để làm ở VinUni, đó là những việc gì, thưa GS?
Trước đây tôi chưa bao giờ lãnh đạo một viện nghiên cứu hay một khoa/trường ĐH. Nhưng tôi rất hứng khởi và được hỗ trợ rất nhiều. Hai năm qua, số lượng giảng viên, cán bộ nhân viên của Viện tăng gấp đôi. Chúng tôi bắt đầu thu hút được nhân tài. Có nhiều người Việt đi ra nước ngoài và giờ lại quay lại làm việc tại Việt Nam, đây là một xu thế mà tôi vô cùng ủng hộ.
Cùng với đó, cách tiếp cận nghiên cứu cũng thay đổi. Chúng tôi đang cố gắng tập trung nghiên cứu những dự án lớn, có tác động đến đời sống, thay vì chỉ tập trung nghiên cứu vào những vấn đề hẹp và chỉ để “thi đấu” (với các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài). Chúng tôi muốn kết hợp công nghệ với các môn khoa học đời sống để giải quyết những vấn đề này thông qua các trung tâm nghiên cứu. Trước đây, chúng tôi chỉ Trung tâm Sức khỏe thông minh, giờ có thêm Trung tâm Trí tuệ Môi trường.
- Là một nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực tối ưu, cùng nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới về Toán học, lý do nào đưa ông đến với Việt Nam, thưa GS?
Tôi được VinUni mời về làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính từ cách đây 2 năm, và sau đó là Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ tôi được giao trọng trách này là vì VinUni rất coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học có chất lượng, với mục tiêu trở thành một ĐH có đẳng cấp cao trên bản đồ ĐH thế giới. Có thể tôi sẽ giúp được VinUni theo cách, thay vì cố gắng sao chép y hệt cách làm của ĐH hàng đầu thế giới như Cornell, Standford, Berkeley…, chúng tôi sẽ áp dụng những phương pháp thiết thực, ít tốn kém và hiệu quả rõ rệt hơn.
Một lý do khác, đó là tôi có kinh nghiệm về start-up, mà VinUni thì rất ủng hộ tinh thần cải tiến và đổi mới. VinUni nhận ra nhiệt huyết trong tôi. Động lực đưa tôi đến Việt Nam là vì tôi có nhiều việc để làm ở đất nước này, chứ tôi không coi đó là một chuyến du ngoạn. Tôi được sinh ra ở Việt Nam, nên tôi tự thấy mình và đất nước này có một mối liên kết.
Ồ, thật ngạc nhiên vì giáo sư sinh ra ở Việt Nam!
Mẹ tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông ngoại tôi từng là kỹ sư mỏ ở Hòn Gai. Sau đó, mẹ tôi vào Sài Gòn, trở thành giáo viên trường Lycée Marie Curie (nay là Trường THPT Marie Curie). Bố tôi cũng là giáo viên ở đó. Gia đình tôi sống ở Sài Gòn 7 năm. Đến năm 1964 (lúc tôi 2 tuổi) thì gia đình tôi rời Việt Nam, về Pháp. Mẹ tôi mất rồi, còn bố thì vẫn đang sống tại Pháp. Năm 2010, tôi quay lại Việt Nam, bắt đầu nhen nhóm sự hứng thú với đất nước Việt Nam. Nên đầu năm 2022, khi được VinUni mời thì tôi đã không do dự mà nhận lời ngay.
- Là một nhà khoa học được cộng đồng khoa học thế giới ghi nhận, Giáo sư có thể chia sẻ cách mình truyền cảm hứng cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học?
Tôi vẫn tiếp tục đi dạy, thông qua việc dạy học tôi muốn truyền tải niềm đam mê của mình với lĩnh vực tối ưu hóa cũng như toán ứng dụng nói chung cho sinh viên. Bên cạnh đó, một cách khác để truyền cảm hứng cho sinh viên là tạo cơ hội cho các bạn được tham gia nghiên cứu. Hiện các sinh viên của chúng tôi đang làm việc với một nhà hóa học nổi tiếng tại Berkeley, người mà đã thắng giải thưởng VinFuture. Đó là một dự án lớn, và các sinh viên của chúng tôi đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa.
Để truyền cảm hứng cho sinh viên làm nghiên cứu, người thầy cũng muốn sinh viên nghĩ về mục đích nghiên cứu và nghiên cứu này có thể giải quyết các vấn đề trong đời sống như thế nào. Bằng cách này, chúng ta có thể thực sự thấm nhuần tinh thần khởi nghiệp như khẩu hiệu của Vingroup. Nhờ đó, sinh viên có thể tìm thấy cảm hứng nghiên cứu và tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về lâu về dài.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
GS Laurent El Ghaoui là nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực tối ưu, một lĩnh vực toán học quan trọng được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp: ngân hàng tài chính, du lịch, logistics, y tế… Ông được cộng đồng toán học ứng dụng thế giới ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như: Huy chương Đồng Khoa học Kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Pháp, 1999; Tài trợ nghiên cứu của Quỹ Okawa, 2001; Giải thưởng NSF Career, 2002; Giải thưởng Tối ưu hóa SIAM cho bài báo khoa học hay nhất đợt xét năm 2008.
GS Laurent còn có hơn 20 năm hoạt động thực tiễn trong khối doanh nghiệp. Ông là đồng sáng lập và chủ tịch của Công ty SumUp Analytics, một công ty xây dựng hệ phần mềm phân tích văn bản thời gian thực. Ông thường được mời làm diễn giả tại các sự kiện của Google, Amazon, Exxon, Walmart, Twitter và các công ty, tổ chức lớn về chủ đề tối ưu hóa.
GS Laurent được xếp thứ hạng 2.561 các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Research.com và xếp thứ hạng 300 thế giới các nhà khoa học lĩnh vực Kỹ thuật công nghiệp & Tự động hóa theo Danh sách xếp hạng thuộc Đại học Stanford (Mỹ), xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus. Theo Google Scholar, các nghiên cứu của Giáo sư Laurent đã được trích dẫn 62.712 lần