Vụ án “nhập tách số tiền gốc”: Mù mờ những phép tính

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Văn hóa mua bán nợ giữa người dân với nhau tưởng chừng là thói quen thường ngày; nhưng khi có lực lượng chức năng cùng tham gia thì người dân vẫn trở thành tội phạm.
Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết và bị cáo Võ Tư Thiệt (từ trái qua).
Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết và bị cáo Võ Tư Thiệt (từ trái qua).

Trong đời sống của người dân vùng Tây Nguyên, việc cho vay và mua bán nợ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã trở thành nét văn hóa vốn có từ trước đến nay. Vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã cho người dân một cách nhìn khác. Một giao dịch dân sự nhưng để trở thành hình sự chỉ cần “biến đổi” gốc thấp đi và số tiền lãi sẽ tăng vượt khung. Vụ án ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là một ví dụ điển hình.

Trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo phân tích hàng loạt vi phạm tố tụng, như: Người cho vay không có mặt tại hiện trường nhưng sau đó lại bị ghi vào biên bản quả tang và yêu cầu ký vào biên bản, vụ việc trải qua 5 lần trả hồ sơ, tang vật không được xử lý theo quy định của pháp luật…

Thậm chí, dù chưa đưa ra được thoả thuận lãi suất giữa các bên là bao nhiêu và số tiền tang vật thu giữ được còn gây tranh cãi. Cơ quan tố tụng cho rằng, đó là tiền lãi nhưng bên chủ nợ lại khẳng định, đó là tiền gốc (vốn) và tiền lãi suất của số tiền vay lẫn tiền nợ mua hàng. Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức vẫn tuyên phạt người cho vay với mức 9 tháng tù vì cho vay nặng lãi.

Bài 1: Từ cách nhập tách số tiền gốc

Trong các ngày từ 27, 30, 31/5 và 02/6, Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Theo đó, với Bản án số 25/2022/HS-ST ngày 2/6/2022, Toà án nhân dân huyện Tuy Đức đã xử phạt Võ Tư Thiệt và Nguyễn Thị Tuyết (mẹ của bị cáo Thiệt) hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mỗi người 9 tháng tù giam, phạt mỗi người 80 triệu đồng. Sau khi toà tuyên án, gia đình bà Tuyết, ông Thiệt đã có đơn kêu cứu khắp nơi vì cho rằng họ bị oan.

“Khắc xuất, khắc nhập” số tiền gốc

Theo hồ sơ vụ án, ông Sầm Văn Núm thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số CA935299 cho anh Vũ Văn Long để vay một khoản tiền. Đến ngày 7/1/2018, ông Núm còn nợ anh Long 110 triệu đồng. Ngày 07/01/2018, Võ Tư Thiệt cùng mẹ là Vũ Thị Tuyết đến nhà ông Núm đòi nợ tiền phân bón và cà phê thì gặp anh Long cũng đến đòi nợ ông Núm.

Để thuận lợi cho việc thu hồi nợ từ ông Núm, anh Thiệt thỏa thuận cho ông Núm vay 110 triệu đồng để trả nợ cho anh Long để chuộc sổ đỏ về và giao cho Thiệt giữ. Khoảng tháng 11/2018, ông Núm sang nhượng thửa đất cho ông Phùng Lê Hiếu để có tiền trả nợ và có vốn làm ăn. Do đó, tháng 5/2020, ông Núm cùng ông Hiếu đến nhà Thiệt và Tuyết chốt nợ. “Tổng số tiền cà phê và phân bón ông Núm nợ mà gia đình tôi tính tới năm 2019 là hơn 620.000.000 đồng(chưa tính lãi suất trả chậm theo thoả thuận là 30%/năm).

Nếu cộng với số tiền vay 110.000.000 đồng để trả cho ông Long vào ngày 01/7/2018 là hơn 730 triệu đồng và nếu tính cả lãi suất các khoản tổng cộng số tiền ông Núm phải trả ước tính là hơn 1 tỷ đồng. Do ông Hiếu chỉ đồng ý “gánh” trả dùm ông Núm là 579.980.000 đồng nên các bên tạm tính là tiền phân bón và cà phê là 579.980.000 đồng, ông Hiếu đứng ra viết giấy nhận nợ và đặt 2 mảnh đất để làm tin cho số tiền 579.980.000 đồng thay cho ông Núm.

Sáng 20/5/2020, ông Hiếu và ông Núm mang 300.000.000 triệu đồng tới trả nợ cho Thiệt. Bị cáo Thiệt không có mặt để giao dịch mà bà Tuyết (mẹ của bị cáo Thiệt và ông Lê - chồng bà Tuyết) đứng ra nhận tiền. Hai bên chốt lại số tiền còn thiếu là 140.000.000 đồng và thống nhất trong chiều 20/5/2020, ông Núm với ông Hiếu trả 140.000.000 đồng còn lại sẽ bàn giao sổ đất cho ông Núm. Trong khi ông Núm, ông Hiếu trả nợ và bà Tuyết, ông Lê nhận tiền thì cơ quan chức năng ập đến để bắt quả tang.

Gần 2 năm vụ việc xảy ra, nhiều lần vụ án được đưa ra xét xử và trả hồ sơ điều tra lại… Đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức đưa ra một cách tính lãi tại phiên tòa này như sau: Số tiền gốc ông Núm vay nợ để chuộc sổ đỏ là 110 triệu đồng. Lãi tính từ ngày 7/1/2018 đến ngày 18/5/2020 là 330 triệu đồng. Tổng cộng cả gốc, cả lãi là 440 triệu đồng.

Do đó, tính toán thành 862 ngày, lãi suất năm là (300 triệu đồng x 365 ngày)/(110 triệu đồng x 862 ngày) = 115,48%/năm. Lãi suất ngày bằng 115,48/365 ngày = 0,3163%/ngày; lãi suất tháng 0,3163 x 30 = 9,49%/tháng.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tính ra (110 triệu đồng x 20%/năm) x 862 = 51.956.164 đồng. Lấy 300 triệu đồng - 51.956.164 đồng = 248.043.836 đồng.

Kết luận, bị cáo Thiệt và bị cáo Tuyết thu lợi bất chính số tiền 248.043.836 đồng. Bị cáo Thiệt và Tuyết có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất 9,49%/tháng = 115,48%/năm, vượt quá 5,77 lần lãi suất tối đa được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự.

Tại tòa, bị cáo Võ Tư Thiệt phủ nhận hành vi phạm tội của bản thân và mẹ của mình như cáo trạng đã quy kết. Bị cáo Tuyết cũng một mực kêu oan.

Lãnh án vì … tiền nợ thành tiền lãi!

Luật sư Huỳnh Đạt, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông bào chữa cho bị cáo Thiệt trong phần tranh luận tại phiên tòa, cáo trạng số 12/CT-VKS ngày 23/02/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức truy tố các bị cáo về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự là không đủ căn cứ.

Thứ nhất, về mặt tố tụng, cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Đức tiếp nhận tin báo tố giác vào lúc 09 giờ ngày 20/5/2020 từ ông Sầm Văn Núm, phát hiện ông Võ Quang Lê (chồng bị cáo Tuyết, cha của bị cáo Thiệt), bị cáo Tuyết nhận tiền của ông Núm và ông Hiếu giao. Tuy nhiên, vào 07 giờ ngày 20/5/2020, tại Công an huyện Tuy Đức, điều tra viên Trần Văn Tiến nhận đơn tố giác và tin báo tố giác tội phạm của ông Núm. Như vậy, không theo trình tự diễn biến tội phạm.

Thứ hai, việc bắt quả tang chưa xác định gốc, lãi là bao nhiêu. Quá trình điều tra bổ sung ngày 05/7/2021, Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đắk Nông mới ban hành công văn để cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng xem xét. Nhưng tại văn bản này, Ngân hàng cũng nói đây là tài liệu tham khảo. Trong khi, đại diện Viện Kiểm sát căn cứ tính pháp lý của công văn “tham khảo” để xử lý các bị cáo là chưa đảm bảo.

Đối với biên bản bắt người phạm tội quả tang bắt đầu lúc 09 giờ 10 phút, kết thúc lúc 10 giờ ngày 20/5/2020, điều tra viên Phạm Trường Nam cùng một số cán bộ điều tra thực hiện. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, điều tra viên Nam chủ trì khám nghiệm hiện trường bắt đầu từ 09 giờ 30 đến 09 giờ 55 phút. Cùng một thời điểm nhưng điều tra viên thực hiện song song hai việc là không phù hợp.

Luật sư Huỳnh Đạt tiếp tục phân tích về phần nội dung của vụ án. Theo đó, tại biên bản bắt người phạm tội quả tang thể hiện bắt quả tang 03 người là bị cáo Thiệt, bị cáo Tuyết, ông Lê và ghi lời khai ban đầu của 3 đối tượng. Ông Núm hẹn đến ngày 20/5/2020 đến trả nợ thì nội dung khai này hoàn toàn không thực tế vì có sự mâu thuẫn.

Bị cáo Thiệt có công việc bận đi ra khỏi nhà nên không thể bắt quả tang. Các bản khai đều thừa nhận bị cáo Tuyết, ông Lê đang nhận tiền. Tại trang 01 của biên bản bắt người phạm tội quả tang thì bị cáo Thiệt không đồng ý và tại trang 04 của biên bản này, bị cáo Thiệt trình bày: “Tôi không cho ông Núm mượn tiền chỉ đầu tư phân bón và cà phê nhân”.

Vụ án “nhập tách số tiền gốc”: Mù mờ những phép tính ảnh 1

Hồ sơ vụ án.

Cụ thể hơn, theo luật sư Huỳnh Đạt, trong biên bản quả tang ghi nhận số tiền 300.000.000 đồng là tiền trả nợ (bao gồm: nợ gốc, lãi và hàng hóa…), không ghi cụ thể trả lãi nhưng trong cáo trạng cũng như bản án đều khẳng định đó là tiền lãi của 110.000.000 triệu là không đúng với bản chất vụ việc. Cơ quan chức năng không xem xét để tính đến phần nợ gốc và lãi phân bón, cà phê mà ông Núm vẫn đang nợ gia đình bị báo trước đó là không đầy đủ. Số tiền 300.000.000 đồng trả nợ ghi trong biên bản quả tang là trả nợ, nhưng sau đó thành tiền lãi của 110.000.000 đồng thì về bản chất hoàn toàn khác nhau.

Mặt khác, trong vụ án này có sự mâu thuẫn giữa bản Kết luận điều tra và Cáo trạng về số lần vượt quá mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự mà các bị cáo cho vay.

Ngày 07/01/2018, bị cáo Thiệt cho ông Núm vay số tiền 110.000.000 đồng là có thật. Ngày 20/5/2020 ông Núm, anh Hiếu đến công ty Vũ Hải trả tiền. Ông Lê viết: “Đại lý Vũ Hải có nhận số tiền 300.000.000 đồng, còn lại 140.000.000 đồng trả hết thì lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Như vậy, ông Núm trả tiền cho Đại lý Vũ Hải, không thể hiện lãi suất. Luật sư Huỳnh Đạt đặt câu hỏi: “Vậy dựa vào đâu khẳng định số tiền này là lãi suất trong khi hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 07/01/2018, ông Núm thỏa thuận vay tiền của bị cáo không thỏa thuận lãi suất, thời hạn trả số tiền trên?”.

Luật sư Đạt dẫn chứng, căn cứ lời khai của gia đình ông Núm khai nhận số tiền lãi là không nhất quán. Trước khi thỏa thuận, bị cáo Thiệt giao cho ông Long và nói, khi nào tôi trả tiền thì lấy sổ. Tại thời điểm vay theo thói quen tính lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng ngày. Ông Núm khai tiền lãi suất lúc 290.000.000 đồng, lúc 260.000.000 đồng/28 tháng.

Thế nhưng, ông Phùng Lê Hiếu lại cho rằng lãi suất là 300.000.000 đồng và hẹn đến chiều trả 140.000.000 đồng. Biên bản bắt người phạm tội quả tang cũng thừa nhận lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng ngày.

Trong khi đó, ông Hiếu không phải người vay (tức không có vai trò đàm phán lãi suất) lại cung cấp file ghi âm. Chứng cứ là file ghi âm thể hiện một giọng nam: “Có bao nhiêu đưa trước, còn lại đưa đủ thì em giao sổ... anh đưa 290.000.000 đồng tiền lời trước, còn 110.000.000 đồng là chiều anh đưa đủ là lấy sổ nhé”. Bị cáo Thiệt trả lời: “dạ, dạ”. Trong các file ghi âm đều không thể hiện lấy lãi từ bị cáo Thiệt mà chỉ có một giọng nam đưa ra.

Thứ tư, dù kết luận số tiền 300.000.000 đồng tang vật là tiền lãi nhưng Bản cáo trạng cũng đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 161.956.164 đồng. Trong đó, tiền gốc 110.000.000 đồng, tiền lãi là 51.956.164 đồng.

Thứ năm, luật sư Huỳnh Đạt phân tích, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can tạm giam. Sau đó, trong giai đoạn truy tố, khi bị cáo được tại ngoại thì kiểm sát viên gọi lên nói làm đơn xin miễn trách nhiệm hình sự. Không cho bị cáo được mời luật sư, báo đài. Như vậy là không phù hợp.

Luật sư Đạt cho rằng, từ những dẫn chứng trên, chưa đủ căn cứ theo cáo trạng quy kết của Viện Kiểm sát nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo không phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và trả tự do cho bị cáo Thiệt.

Mời độc giả đón xem bài 2: Bất ngờ cách xử lý tang vật, vật chứng

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).