Trong một bài trả lời phỏng vấn trên VTC14, ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) nói rằng, phải chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.
Nguyên văn câu phát biểu của ông Chu Xuân Phàm như sau: “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”.
Liên quan tới phát ngôn này của ông Chu Xuân Phàm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh.
TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn chia sẻ: “Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm là một thách thức rất lớn với những người có trách nhiệm ở Việt Nam. Bởi lẽ, chúng ta xây dựng nhà máy thép với yêu cầu phải bảo vệ môi trường chứ chúng ta không xây dựng nhà máy thép với chấp nhận sẽ hủy diệt tôm cá như thời gian vừa qua.
Ông ấy nói như vậy có phải ông ấy gián tiếp thừa nhận nhà máy thép của ông ấy đã gây ra việc hủy diệt tôm cá hay không? Đó là câu hỏi lớn và tôi hoàn toàn không đồng tình với điều này”.
Cũng theo phân tích của TS. Lê Đăng Doanh, công nghiệp thép đúng là có gây ra ô nhiễm nhưng trên thế giới, các nền công nghiệp đã thành công trong việc kiểm soát ô nhiễm đó. Chính vì thế, không thể đặt ra sự thách đố với Việt Nam phải chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Sự lựa chọn đó, TS. Lê Đăng Doanh không thể chấp nhận.
TS. Lê Đăng Doanh
“Tôi rất mong có câu trả lời của các cơ quan trách nhiệm của Việt Nam như Bộ Kế hoạch Đầu tư hay Bộ Tài nguyên Môi trường về lĩnh vực này.
Việc họ xả thải và họ nhập hóa chất để rửa đường ống, các cơ quan có trách nhiệm không kiểm soát được. Trong khi, việc đo mức độ ô nhiễm ở đường ống, trên thế giới đã làm được.
Lại thêm câu hỏi chúng ta phải đặt ra, kĩ thuật hoàn toàn có thể làm được không có gì đắt đỏ nhưng tại sao chúng ta không làm? Trách nhiệm đó từ đâu và thuộc cơ quan nào? Quốc hội phải có sự giám sát và yêu cầu các cơ quan chức năng phải có trả lời trước Quốc hội”, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến.
Cùng vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng tất cả những người có lỗi phải xử rất nặng.
Vì chúng ta không thể chấp nhận việc đổi sắt thép lấy cá tôm. Hơn nữa đây không phải là cá tôm mà là môi trường sống, là nền kinh tế biển của Việt Nam. Đây không chỉ là một trường hợp mà còn là tiền lệ cho các trường hợp khác.
“Nếu điều này là đúng, nhiều người sẽ yêu cầu đóng cửa Formosa và tôi cũng ủng hộ điều đó.
Chúng ta không thể có sự lựa chọn hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Ông ấy nói thế là coi thường 90 triệu người dân đất Việt.
Khi chắc chắn chất độc đó do công ty Formosa thải ra mà chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn thì đây là một hành vi tội ác.
Cần phải thành phong trào phản ứng mạnh mẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Phía sau hiện tượng cá chết hàng loạt, hiện tượng Formosa xả thải tôi cũng đặt ra câu hỏi: Chúng ta có ai kiểm tra không hay chỉ dựa vào số liệu mà phía công ty tự báo cáo? Đó là một lỗ hổng rất nguy hiểm”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Nguyễn Huệ