Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết: Ông Nguyễn Thanh Hóa đã bị Chủ tịch nước tước danh hiệu Công an Nhân dân, điều đó có nghĩa ông này không còn gì liên quan đến lực lượng công an, không thể gọi là Thiếu tướng hay nguyên Thiếu tướng được.
Theo Trung tướng Trần Đình Nhã, việc một người lên tới cấp Thiếu tướng bị tước danh hiệu Công an Nhân dân, bị khởi tố để điều tra từ trước tới nay rất ít khi xảy ra. Thời còn công tác ông chỉ gặp những vụ việc liên quan đến tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với người ở cấp bậc hàm tá, hàm úy.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, việc tước danh hiệu Công an Nhân dân là hình thức xử lý hành chính nặng nhất trong Công an Nhân dân, còn bên Quân đội gọi là tước quân tịch.
“Đối với người công tác trong Công an Nhân dân khi về nghỉ hưu chức vụ công tác không còn nhưng vẫn giữ được danh, ví dụ như người có cấp hàm là đại tá, thiếu tướng…thì vẫn có thể gọi là đại tá này, thiếu tướng kia, nhưng khi đã vi phạm đến mức bị tước danh hiệu Công an Nhân dân thì là mất hết”, ông Nhã cho biết.
Đánh giá về việc ông Nguyễn Thanh Hóa bị tước danh hiệu, ông Nhã cho rằng: Đây là hình thức xử lý quyết liệt của ngành Công an, còn việc vi phạm pháp luật của ông Hóa thế nào sẽ do cơ quan tố tụng sẽ làm rõ.
“Là cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm nhưng người đứng đầu lại có dấu hiệu phạm vào tội mà mình đang giao nhiệm vụ chống là không thể chấp nhận được, cần phải điều tra, xử lý nghiêm khắc. Ai vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý nghiêm, nhưng với người từng là công an lại dung túng, bao che cho tội phạm hoặc có hành vi thực hiện loại tội mà trách nhiệm của bản thân đang phải chống thì càng phải xử lý nghiêm”, ông Nhã bày tỏ.
Nhìn nhận về vụ án tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền, hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố 74 đối tượng, trong số đó có ông Nguyễn Thanh Hóa, Trung tướng Trần Đình Nhã cho biết: Vụ án này có dấu hiệu manh nha của hiện tượng mafia, phải ngăn chặn loại tội phạm này sớm càng tốt. “Dấu hiệu hoạt động kiểu mafia nghĩa là những đối tượng phạm tội ngoài xã hội phối hợp với người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước trở thành tổ chức tội phạm. Nó có thể làm khuynh đảo vai trò của nhà nước, ở những quốc gia có hoạt động mafia đều khốn đốn cả”, ông Nhã cho biết.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, hiện vụ án vẫn đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên với kết quả ban đầu thì đó cũng là sự cảnh báo không chỉ đối với lực lượng công an mà cả đối với những cán bộ, công chức nhà nước ở những ngành, lĩnh vực khác. “Khi người có trọng trách lại dính vào việc “ăn chia” với bọn tội phạm sẽ ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước cũng như trật tư xã hội, làm mất lòng tin của người dân”, ông Nhã nói.
Theo Dân Việt