Số người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu hôm qua (15/1) chính thức vượt mốc 2 triệu người, trong bối cảnh nhiều chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn đang được triển khai, nhưng không đồng đều. Trong khi đó, tại một số quốc gia, hàng triệu công dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, thì ở nhiều nước khác, việc tiêm chủng hầu như vẫn chưa bắt đầu.
Số liệu đáng buồn này đưa ra chỉ hơn 1 năm sau khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Theo Đại học Johns Hopkins, số người tử vong do Covid-19 tương đương với dân số của các thành phố lớn như Brussels (Bỉ), Mecca (Saudi Arabia), Minsk (Belarus) hay Vienna (Áo). Trong bối cảnh này, tại các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Israel, Canada và Đức, hàng triệu người dân đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine bảo vệ, thì ở nhiều nước khác, việc tiêm chủng hầu như vẫn chưa bắt đầu.
Các chuyên gia đã dự đoán về một năm mất mát và khó khăn nữa ở những nước như Iran, Ấn Độ, Mexico và Brazil, vốn cũng chiếm tới ¼ số người tử vong trên thế giới. Như tại Mexico, đất nước 130 triệu dân, mới chỉ nhận được 500.000 liều vaccine và một nửa trong số này được tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Ngược lại, tại Mỹ, bất chấp sự chậm trễ ban đầu, hàng trăm người đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cột mốc 2 triệu người “đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu vắng nỗ lực phố hợp toàn cầu”. Ông thừa nhận, khoa học đã thành công, nhưng sự đoàn kết đã thất bại:
"Thế giới của chúng ta đã đạt đến một cột mốc đau lòng: đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người. Đằng sau con số đáng kinh ngạc này là những cái tên và khuôn mặt: nụ cười giờ chỉ còn là ký ức, chiếc ghế trống mãi mãi nơi bàn ăn. Đáng buồn thay, tác động chết người của đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu vắng nỗ lực phối hợp toàn cầu. Để tưởng nhớ 2 triệu linh hồn đó, thế giới phải hành động với tinh thần đoàn kết hơn nữa”.
Các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới mới đây cảnh báo, thế giới rất khó đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm nay, tức là ít nhất 70% dân số toàn cầu phải được tiêm phòng. Chuyên gia Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh, việc chiến thắng dịch bệnh ở một vài nơi là chưa đủ để chiến thắng dịch bệnh trên toàn cầu:
“Chúng tôi đã đặt mục tiêu tiêm phòng cho người dân tại 100 quốc gia và điều đó đang được thực hiện với nỗ lực cao nhất trong nhiều tháng qua. Vì vậy, lúc này chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi để nguồn cung tăng lên và để có thể bắt đầu phân phối. Chúng tôi rất hi vọng điều này sẽ đạt được trong thời gian sớm, có thể là trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay”.
Dù là nước giàu hay nghèo, thì cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 đã tàn phá các nền kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm và nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói. Sau gần 1 năm bùng phát, châu Âu, nơi chiếm tới hơn ¼ số ca tử vong trên thế giới, vẫn đang trong tình trạng phong tỏa hay giới nghiêm để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh một biến thể mới được cho là dễ lây lan hơn đang lưu hành ở Anh và nhiều quốc gia khác.
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới hôm qua yêu cầu tăng cường khuôn khổ giám sát những nguy cơ liên quan tới các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thông qua hợp tác và phối hợp nghiên cứu chặt chẽ hơn nữa. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh và Nam Phi, đều có khả năng lây nhiễm đặc biệt cao, hiện đã lây lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ giữa lúc thế giới vẫn đang loay hoay trong các làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh.