WHO đã cảnh báo các quốc gia không nên nới lỏng các biện pháp phòng dịch, bất chấp những phát hiện sơ bộ cho thấy Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ.
"Sự phát triển nhanh chóng của Omicron ngay cả khi chỉ gây ra triệu chứng nhẹ hơn một chút, vẫn sẽ dẫn đến số lượng lớn các trường hợp nhập viện, đặc biệt là trong số các nhóm người chưa được tiêm chủng, và gây gián đoạn rộng rãi cho hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác", bà Catherine Smallwood - quan chức WHO tại châu Âu, chỉ ra.
Các đợt bùng phát COVID-19 đã tàn phá khắp thế giới dịp cuối năm, nhiều quốc gia đang cố gắng cân bằng giữa các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và giữ cho nền kinh tế không bị rơi vào khủng hoảng.
Sau khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong vòng 21 tháng qua, Trung Quốc đã quyết định phong tỏa các thành phố hàng triệu dân như Diên An và Tây An.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân Tây An lên tiếng kêu gọi giúp đỡ do trong nhà đã cạn kiệt thực phẩm nhưng không thể ra ngoài. Các nhà chức trách cũng ban hành lệnh cấm lái xe và chỉ cho phép một người trong gia đình được phép ra ngoài mua hàng 3 ngày một lần.
Đây là đợt truy quét dịch mạnh nhất ở Trung Quốc kể từ khi thành phố có quy mô tương tự Tây An là Vũ Hán bị phong tỏa hồi năm 2020.
Còn ở phương Tây, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và đang ghi nhận tới 250.000 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Có nhiều nguyên nhân khiến Mỹ không thể kiểm soát được dịch bệnh: sự xuất hiện của biến thể Omicron, một lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng và người dân thiếu khả năng tiếp cận các xét nghiệm nhanh.
Tổng thống Joe Biden đầu tuần này cho biết một số bệnh viện của Mỹ có thể bị "quá tải", nhưng nước này nhìn chung đã chuẩn bị tốt. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng Omicron sẽ không có tác động giống như đợt bùng phát ban đầu hoặc đợt bùng phát do biến thể Delta hồi đầu năm.
“Omicron có thể đáng lo ngại, nhưng nó không nên gây hoảng sợ", ông Biden khẳng định.
Để kìm hãm làn sóng lây nhiễm, các quốc gia châu Âu đã đưa ra các lệnh cấm quyết liệt gây thiệt hại cho kinh tế và xã hội.
Thụy Điển và Phần Lan đã yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với những du khách không cư trú nhập cảnh kể từ từ thứ Ba, một ngày sau khi Đan Mạch - quốc gia hiện có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới - áp dụng biện pháp tương tự.
Ở Đức, các cuộc tụ tập riêng tư hiện chỉ giới hạn ở 10 người được tiêm chủng. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đóng cửa các hộp đêm và buộc các sự kiện thể thao diễn ra mà không có khán giả.
Ngoài các gián đoạn trong xã hội, làn sóng lây nhiễm mới đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giao thông trong dịp nghỉ lễ cuối năm.
Khoảng 11.500 chuyến bay đã bị hủy bỏ trên toàn thế giới kể từ thứ Sáu tuần trước và hàng chục nghìn chuyến bay khác cũng đã bị hoãn. Nhiều hãng hàng không cho biết dịch bệnh khiến họ không có đủ nhân sự phục vụ hành khách.
Hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành trên khắp nước Đức vào ngày hôm qua, nhằm phản đối các quy định cấm tụ tập. Các cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát khiến ít nhất 12 sĩ quan bị thương.
“Họ cần phải làm gì đó để giảm số thiểu số ca mắc mới", một người dân Berlin nói.