Ông Francesco Branca, giám đốc bộ phận dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO cho biết: “Việc thay thế đường tự do bằng chất tạo ngọt không đường hoàn toàn không giúp mọi người kiểm soát cân nặng lâu dài".
Vị chuyên gia cho rằng việc sử dụng chất thay thế đường có thể giúp trọng lượng cơ thể giảm nhẹ trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ không duy trì lâu dài.
Đánh giá của WHO cũng chỉ ra rằng có thể có "tác dụng không mong muốn tiềm ẩn" từ việc sử dụng lâu dài các chất thay thế đường như tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch.
“Hướng dẫn nói rằng nếu chúng ta đang tìm cách giảm béo phì, kiểm soát cân nặng hoặc nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm, thì thật không may, việc dùng các chất thay đường không tạo ra những tác động tích cực đến sức khỏe", ông Branca nói.
Chất làm ngọt không đường được sử dụng rộng rãi như một thành phần trong thực phẩm và đồ uống đóng gói sẵn, đôi khi cũng được nhiều người trực tiếp cho vào thực phẩm và đồ uống.
Vào năm 2015, WHO đã ban hành hướng dẫn về lượng đường hấp thụ, khuyến nghị rằng người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do hàng ngày xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng tiêu thụ. Hướng dẫn này đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tìm kiếm các chất thay thế đường.
“Hướng dẫn mới này dựa trên đánh giá kỹ lưỡng các tài liệu khoa học mới nhất và nó nhấn mạnh rằng việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không phải là một chiến lược tốt để giảm cân”, theo ông Ian Johnson - nhà nghiên cứu dinh dưỡng từ Viện Khoa học Sinh học Quadram (Vương quốc Anh).
Ông Johnson gợi ý rằng người muốn giảm tiêu thụ đường có thể ngừng việc sử dụng đồ uống có đường và cố gắng tiêu thụ “trái cây để tạo vị ngọt".