Đất cho giao thông mới đạt từ 30-40% tiêu chuẩn quốc tế
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã lấy con số thống kê có định lượng rõ ràng, cụ thể để phân tích: Dân số thành phố tăng liên tục gấp 3 lần sau 40 năm (3 triệu người năm 1975 lên gần 9 triệu người hiện nay), diện tích thành phố không thay đổi, cường độ lao động, cường độ chất thải gấp 13-15 lần bình quân cả nước.
Tính đến năm 2016, diện tích đất của TPHCM chiếm 0,6% của cả nước, nhưng dân số chiếm 9,1%, lao động chiếm 7,9%, tính ra: Số lao động/km2 của TPHCM/cả nước = 2.016/161, tức gấp 12,5 lần; dân số/km2 của TPHCM/cả nước = 4.008/280, tức gấp 14,4 lần.
Từ những con số trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích rằng: "Tại sao qui mô kinh tế của thành phố chúng ta lớn, vì mật độ lao động/km2 gấp 13 lần cả nước, chất thải gấp 15 lần, nhu cầu đi lại gấp từ 15-20 lần. Như vậy chắc chắc dẫn đến tính trạng ùn tắc giao thông. Nếu không có giải pháp đặc biệt thì không thể giải quyết được".
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong tình hình chung cơ cấu đất đai giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp - dịch vụ không hợp lí, đất dành cho giao thông cũng ít, dẫn tới tắc đường là khó tránh khỏi. Hiện, tỉ lệ đất dành cho giao thông của TPHCM mới đạt khoảng từ 30-40% so với tiêu chuẩn quốc tế. "Trong tương lai chúng ta phải hướng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nội thành chật chội rồi thì chúng ta tính ra vùng bên ngoài", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói. Giảm kẹt xe là 1 trong "bốn giảm" mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong bài trình bày (cùng với giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, tội phạm), là một trong những vấn đề phải giải quyết để biến TPHCM trở thành "nơi đáng sống, nơi đáng đến".
Đô thị thông minh: Người dân cũng phải thông minh
Trong mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành "nơi đáng sống, nơi đáng đến", theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trước hết phải xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Trong đô thị thông minh ấy, trước hết chính quyền phải thông minh: Thông minh từ qui hoạch, điều hành, cách tạo công cụ cho người dân đánh giá chính quyền và cán bộ, công chức. Thành phố đã triển khai cho người dân đánh giá dịch vụ công từ 6-7 năm nay. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, việc này cần phải triển khai triệt để hơn nữa trong hai năm 2017-2018, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để người dân thuận lợi trong việc đánh giá và cán bộ công chức thuận tiện tiếp nhận đánh giá.
Trong đô thị thông minh doanh nghiệp cũng phải thông minh, đồng hành cùng chính quyền trong việc qui hoạch, phát triển thành phố. "Nhà nước không hiểu hết doanh nghiệp được đâu. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu hết được họ. Cần để doanh nghiệp góp ý cùng với nhà nước trong các vấn đề", ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Cũng trong đô thị thông minh, dịch vụ được cung cấp theo nhu cầu của xã hội và từng cá thể, song phải hỗ trợ được trong hai không gian thực và ảo (không gian mạng).
Nhưng nếu chính quyền thông minh, dịch vụ thông minh mà người dân không thông minh, thì chính quyền và dịch vụ thông minh cũng sẽ không phát huy được hết hiệu quả. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, khái niệm "công dân thông minh" là người dân cần tự học liên tục, sống được trong hai không gian thực và ảo. Công dân thông minh thì mỗi người dân trở thành một "cảm biến xã hội" để nắm bắt các vấn đề, giám sát chính quyền và hiến kế cho thành phố, như vậy sẽ tác động lại nhà nước tốt hơn.
Theo Lao động