Lo ngại của dư luận được Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội phản ánh lại sau khi thực hiện khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) giai đoạn 2012 - 2017.
Theo Ủy ban VHGDTNTNNĐ, việc Bộ Giáo dục - đào tạo (GDDT) vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK khiến dư luận rất băn khoăn bởi nó tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành sách.
Chưa hết, việc chỉ duy nhất 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, khó thúc đẩy nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
“Việc giao Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK” - báo cáo nhận định.
Một điểm nữa được chỉ ra qua cuộc khảo sát là hoạt động in, phát hành SGK GDPT chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và những tên sách có số lượng in thấp. Cách thức này cùng với kết quả đấu thầu (năm 2016 - 2017 tỷ lệ đấu thầu in khoảng 70%), theo Uỷ ban VHGDTNTNĐ, cho thấy hoạt động in SGK GDPT còn khép kín, có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Cho rằng doanh thu của NXBGDVN từ bán SGK GDPT là rất lớn, Uỷ ban VHGDTNTNNĐ yêu cầu Bộ GDĐT làm rõ báo cáo lỗ “ba năm liên tiếp” của đơn vị này.
Theo phân tích của Ủy ban, sản lượng in SGK GDPT những năm gần đây rất lớn, chỉ riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách/tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD thì tỷ lệ này lên tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Tương tự, doanh thu từ bán SGK GDPT những năm gần đây cũng lên khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận từ SGK hằng năm tăng, trong đó năm 2016 tăng 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng. Mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành vốn. Điều này, ngoài việc gây ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác, Uỷ ban VHGDTNTNNĐ khẳng định còn mâu thuẫn với việc báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây của NXBGDVN.
Cụ thể, theo báo cáo của NXBGDVN, do giá bán SGK thấp nhưng giá giấy, nguyên liệu in, gia công thành phẩm, chi phí vận chuyển, chi trả lương cho nhân công... tăng gấp nhiều lần, nên trong những năm gần đây NXB này phải bù lỗ cho việc xuất bản SGK, trong đó năm 2015 lỗ 45,92 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 48,22 tỷ đồng; năm 2017 lỗ khoảng 40 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận cũng được nêu rõ trong báo cáo khảo sát của Ủy ban là tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần (số SGK được sử dụng lại mới đạt khoảng 35%). Theo Ủy ban, việc này gây lãng phí ngân sách nhà nước và tăng chi trả của người dân.
Xuất bản, in và phát hành SKG: Bộ Giáo dục ‘ôm’ hết các khâu liệu có đúng?
Việc giao Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.
Theo Đại đoàn kết