Các nhà nghiên cứu của đại học Saskatchewan (Canada) đã tìm ra cách thu hồi vàng từ bên trong các loại rác thải điện tử nhanh hơn, an toàn hơn và rẻ hơn. Cụ thể, họ khẳng định có thể điều chế 1kg vàng từ rác điện tử với chi phí 47 USD và khoảng 100l dung môi đặc biệt có thể tái sử dụng. Hiện tại, để thu hồi 1kg vàng thì chi phí lên tới hơn 1000 USD và tiêu tốn 5000l dung môi hỗn hợp giữa axit nitric và axit clohydric chỉ sử dụng một lần.
Cụ thể, phó giáo sư khoa Hóa học Stephen Foley - người đứng đầu đội ngũ nghiên cứu - cho biết mỗi năm thế giới phải hứng chịu thêm hơn 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra và 80% trong số đó không thể bị tiêu hủy. Chính vì thế, ông và các đồng nghiệp đã tìm ra phương pháp tách vàng từ rác thải điện tử không chỉ khả thi về mặt kinh tế mà còn thân thiện với môi trường. "Phương pháp này có thể làm thay đổi ngành công nghiệp khai thác vàng", Foley khẳng định.
Rác thải điện tử không hẳn chỉ chứa những thứ độc hại, nó cũng có chứa các kim loại quý. Bộ vi xử lý, chip và chấu nối được mệnh danh là mỏ bạc, vàng và palladium cho các “thợ mỏ đô thị”. Theo một nghiên cứu do United Nations University tiến hành, hàm lượng quý kim trong các “mỏ” đó cực kỳ cao, gấp 40-50 lần so với các quặng đào.
Bên cạnh quý kim, chúng còn chứa những hóa chất độc hại khác như cadmium, chì và thủy ngân. Những nhà tái chế sử dụng công nghệ cao như Umicore tại Bỉ và Xstrata ở Canada có thể thu hồi lên đến 95% kim loại. Theo các chuyên gia về rác điện tử, nỗ lực cải cách, đổi mới nên bắt đầu từ nhận thức rằng những người thu gom rác điện tử tự do rất giỏi trong việc tìm ra “núi vàng” trong đống rác thải và phải coi họ là một nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ giải pháp môi trường nào.
Phương pháp mà nhóm nghiên cứu của Foley phát hiện ra là kết hợp axit acetic - vốn được biết đến là thành phần chính của dấm ăn - với một lượng nhỏ axit khác và một chất oxy hóa. Nhờ dung dịch này, quá trình tách vàng có thể diễn ra trong những điều kiện không gây hại cho môi trường. Công đoạn tách vàng từ mạch điện tử chỉ kéo dài khoảng 10 giây, tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay.
Việc các nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử không thải khí thải ra môi trường khiến nhiều người nhầm tưởng rằng đây là ngành công nghiệp “sạch”, công nghiệp “không khói”. Ví dụ, khu vực Guiyu ở miền Nam Trung Quốc có thể nói là “điểm tập kết của nghề mua bán rác thải điện tử”. Trung bình, 5.500 cơ sở ở Guiyu tái chế 1,5 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, doanh thu 75 triệu USD. Tại đó, 150.000 người làm công việc tái chế chất thải điện tử bằng những cách thức rất thô sơ, thủ công.
Họ tách plastic bằng cách nấu sôi các bảng mạch trên bếp lò, sau đó dùng acid để tách kim loại. Họ mạo hiểm tính mạng của mình với các mối nguy hiểm như bị phỏng, hít khí thải độc hại, ngộ độc chì và các chất gây ung thư. Những cư dân không trực tiếp tham gia cũng phải gánh chịu tác hại do không khí, nguồn nước bị ô nhiễm.
Vàng là một kim loại hiếm và khó hòa tan cũng như khó thẩm tách lấy lại trạng thái ban đầu. Việc khai thác vàng luôn đòi hỏi một lượng lớn hóa chất natri xyanua (NaCN) có hại cho môi trường. Vàng có thể được thu lại bằng cách tái chế các mạch điện và con chip máy tính trong rác thải điện tử, nhưng quá trình này vừa tốn kém vừa tác động xấu đến môi trường.
Hiện tại, Stephen Foley và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứ thêm để tìm ra cách đưa dung môi vào ứng dụng trên quy mô công nghiệp để tái chế vàng. Nhờ nghiên cứu này, quy tình tái chế vàng từ rác thải điện tử sẽ trở nên rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn.