Tính thiếu lãi tiền gửi, ‘quên” khai báo tài bảo đảm
Như Ngày Nay đã thông tin, kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán về hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của ngân hàng VCB.
Một phần kết quả kiểm toán được công bố đã khiến dư luận “dậy sóng” khi phát hiện hệ thống phần mềm của VCB đã không tính và hạch toán đầy đủ với các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ. Chỉ riêng trong năm 2015, đã có gần 6,7 triệu tài khoản, tương đương 70,2% tổng tài khoản tiền gửi của VCB không được trả đầy đủ tiền lãi với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định là do VCB cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn chưa phù hợp quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ- NHNN ngày 17/05/2001 về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Điều 6 quy định Tổ chức tín dụng quy định định kỳ tính và hạch toán thu, trả lãi phù hợp với đặc thù hoạt động và yêu cầu quản lý của tổ chức mình nhưng phải đảm bảo toàn bộ các khoản lãi dự thu, dự chi, thực thu - thực chi và phân bổ được tính, hạch toán đầy đủ, chính xác vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí trong tháng cuối quý, cuối năm tài chính.
KTNN cũng xác định được việc hệ thống phần mềm thông tin CR của Vietcombank cho phép lưu nhiều bản ghi chấm điểm của cùng khách hàng, thông tin bản ghi trên hệ thống có các tham số điều chỉnh theo quy định chấm điểm xếp hạng nội bộ của VCB để bảo bảo phù hợp Thông tư 02/2013/TT-NHNN, kết quả phân tích còn một số trường hợp sai lệch thông tin giữa bản ghi lưu trữ trên hệ thống và báo cáo phân loại nợ cuối năm 2015.
Về quản lý tài sản bảo đảm thế chấp các khoản vay tại VCB, KTNN phát hiện nhiều lỗ hổng dẫn tới rủi ro.
Cụ thể, hệ thống phần mềm Host chưa có chốt kiểm soát về việc đánh giá định kỳ lại tài sản bảo đảm nên chưa cảnh báo tình trạng cập nhật thông tin định giá tài sản đúng quy định. Kết quả kiểm tra phát hiện có 31 trường hợp tài sản bảo đảm có giá trị hơn 200 tỷ đồng (tổng giá trị 16.679 tỷ đồng) và 5.343 trường hợp tài sản động sản (tổng giá trị 15.802 tỷ đồng) chưa cập nhật thông tin khai báo giá trị định giá lại trong vòng 1 năm. Có tới 1.353 trường hợp tài sản bất động sản (tổng giá trị 2.049 tỷ đồng) chưa có thông tin khai báo giá trị định giá trong vòng 2 năm.
Đáng lưu ý, KTNN đã không thể đối chiếu hồ sơ thực tế về định giá lại và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm nên không đưa ra số liệu phân tích cụ thể về giá trị khấu trừ tài sản liên quan đến tính chi phí dự phòng rủi ro của BCTC năm 2015 (của 464 trường hợp). VCB cũng chưa rà soát đối chiếu các thông tin thực tế này.
Như phân tích của Thươnggiaonline thì khối tài sản đảm bảo mà VCB đang “ôm” có sự biến động tăng/giảm giá trị tài sản theo thị trường, nhất là tài sản chứng khoán, bất động sản thời gian qua bị giảm giá rất mạnh. Nếu ngân hàng không tiến hành định giá lại tài sản theo quy định hoặc “giấu nhẹm” giá trị thực tế của tài sản thì sẽ không phản ánh chính xác chất lượng nợ xấu, số chi phí dự phòng rủi ro.
Bởi khi tài sản “hao hụt” giá trị, không đủ đảm bảo nợ vay thì khoản nợ bị đánh giá có mức độ rủi ro cao hơn, hay các khoản nợ không có tài sản bảo đảm, buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
VCB ‘bao biện’: chỉ vài chục đồng và không có động cơ vụ lợi?
Do không thể thực hiện xác định số liệu lãi phải trả khách hàng của 15 năm trước, nhiều tài khoản đã tất toán từ lâu, việc xác định đúng tên đối tượng khách hàng theo từng tài khoản để thực hiện chi trả thực tế rất khó khăn nên KTNN kiến nghị VCB thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015 số tiền gần 10 tỷ đồng, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo đúng quy định.
Khi dư luận thông tin về sự việc này, khách hàng đã hết sức bức xúc, bất bình song chiều ngày 3/2, một thông tin phát đi từ VCB lại “bao biện” rằng: “trong phần mềm quản lý của VCB có cấu phần quản lý tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, trong đó có cài đặt sẵn tham số để mặc định đối với các tài khoản không kỳ hạn có mức lãi tiền gửi cộng dồn trong 1 tháng có giá trị nhỏ hơn 0,1 USD hoặc tương đương thì hệ thống tự động làm tròn xuống. Trên thực tế, đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hàng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng/tháng.
Hiện nay, VCB đã thực hiện nâng cấp hệ thống và đã giải quyết được vấn đề liên quan đến tham số nêu trên đồng thời đã thực hiện đầy đủ các kiến nghị của kiểm toán nhà nước. Trong sự việc này, VCB khẳng định không có động cơ vụ lợi”.
VCB còn cho rằng: ‘Theo thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, một số ngân hàng thực hiện thu phí quản lý tài khoản đối với những tài khoản có số dư thấp nhằm bù đắp những chi phí quản lý. Đối với VCB, đến nay, ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc thu phí quản lý tài khoản kể cả với đối với các tài khoản có số dư thấp”???
Về hệ thống của VCB lạc hậu (mua từ năm 1998), VCB tiếp tục “bao biện”: Thực tế, hàng năm hệ thống công nghệ thông tin của VCB luôn được nâng cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và yêu cầu hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của VCB. Hiện tại, VCB đã chủ động tập trung đầu tư để nâng cấp và triển khai nhiều dự án cho công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai theo chiến lược của ngân hàng cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cũng như vụ khách hàng mất 500 triệu đồng trong tài khoản, cách giải thích của VCB một lần nữa khiến khách hàng thấy rằng họ không được VCB coi là “thượng đế” nếu như không muốn nói đó là biểu hiện của việc xem nhẹ quyền lợi của những người đã tin tưởng, lựa chọn sử dụng dịch vụ của VCB.
Được biết, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2017 chiều qua, 3/2, khi báo chí đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước về quyền lợi của khách hàng trong việc VCB “quên” tính lãi từ 2001 tới nay, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết VCB đang chuẩn bị có trả lời chi tiết về vấn đề này.
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.