Một trong những việc làm đầu tiên của ứng viên chiến thắng sau bầu cử tổng thống Mỹ là nhận các cuộc gọi chúc mừng từ lãnh đạo quốc tế. Những buổi điện đàm này thường do Bộ Ngoại giao Mỹ sắp xếp và điều phối.
Tuy nhiên, đối với Trump, ông không thông qua Bộ Ngoại giao mà tự mình nhận các cuộc gọi. Một số cú điện thoại gây ra tranh cãi lớn, khiến giới quan sát lo ngại và cảm thấy khó dự đoán về tổng thống kế tiếp của họ.
Đài Loan
Cuộc điện đàm giữa Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có lẽ là cú điện thoại chúc mừng bị phản đối dữ dội nhất, chủ yếu từ Trung Quốc.
Nó phá vỡ nguyên tắc ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập niên qua. Từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và công nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc", không có tổng thống hoặc tổng thống đắc cử nào của Mỹ trò chuyện trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, dù Washington vẫn bán vũ khí cho Đài Bắc.
Ian Bremmer, chủ tịch tổ chức Âu - Á, nói Bắc Kinh “hiển nhiên vô cùng tức giận” về cuộc gọi này. “Ông Trump cứ thế nhận các cuộc gọi mà bỏ qua những quy tắc ngoại giao cũng như báo cáo tình báo. Đây là hành động nghiêm trọng đầu tiên từ cách làm việc như vậy, nhưng có thể sẽ không dừng lại ở đây”, ông Bremmer nói.
Nhà Trắng không hề biết về cuộc gọi này cho đến khi nó xảy ra. Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và một số tờ báo lớn của nước này đều liên tiếng phản đối.
Tuy nhiên, ngày 12/12, Trump tố ngược Bắc Kinh những chuyện như phá giá đồng nhân dân tệ, kêu gọi áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ trích các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc.
Phát biểu mới nhất của ông Trump cho thấy rõ ông muốn ép Bắc Kinh đi đến thỏa thuận mới với Washington và sẵn sàng dùng chính sách "Một Trung Quốc” trong mặc cả.
Pakistan
Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng Trump. Sau cuộc gọi, chính phủ Pakistan nhanh chóng công bố nội dung điện đàm, trong đó cho biết Trump ca ngợi Sharif là “một người tuyệt vời”, gọi nhân dân Pakistan “là một trong những nhóm dân tộc thông minh nhất thế giới”.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng khen ngợi cách điều hành của thủ tướng Pakistan và nói “tôi mong sớm được gặp ông”.
Trump nồng nhiệt với thủ tướng Pakistan trong khi chính quyền Obama nỗ lực cân bằng và muốn tăng quan hệ với Ấn Độ. Ảnh: India Express. |
Thủ tướng Sharif và gia đình ông này đang vướng nhiều cáo buộc tham nhũng. Ông cũng đối mặt với dư luận chỉ trích về cách cai trị.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể không hài lòng khi Trump tỏ ý quá thân mật với Pakistan. Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đề phòng nhau và căng thẳng nhiều thập kỷ qua.
“Tôi chưa từng thấy cuộc gọi nào có những chi tiết như thế này. Hiển nhiên Trump đã nhận các cuộc gọi này mà không phối hợp với Bộ Ngoại giao. Nếu bà Clinton là người nhận điện thoại, bà ấy sẽ hành xử thận trọng hơn trong hoàn cảnh này”, Alyssa Ayres, chuyên gia về Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nói.
Philippines
Từ sau khi trở thành tổng thống Philippines vào giữa năm nay, ông Rodrigo Duterte gây chấn động thế giới về cuộc chiến chống tội phạm ma tuý đẫm máu và những phát ngôn bỗ bã. Ông Duterte không ngần ngại chỉ trích cả Tổng thống Barack Obama, người quyền lực nhất hành tinh, dù Mỹ là đồng minh thân thiết của Philippines.
Tuy nhiên, Duterte thể hiện giọng điệu khác hẳn khi điện đàm với ông Trump. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi qua điện thoại hồi đầu tháng này. Tại một hội nghị về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Manila tuần qua, Tổng thống Duterte cho biết ông và Trump đã nói chuyện khoảng 7 phút.
Cả Trump và Tổng thống Duterte đều muốn tăng cường quan hệ với Nga. |
“Tổng thống đắc cử nói rằng Mỹ và Philippines cần sửa chữa mối quan hệ đang tồi tệ hiện nay”, ông Duterte kể lại.
Chiến dịch chống ma tuý do ông Duterte phát động gây lo ngại về sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát khi hành xử. Hơn 5.000 người đã thiệt mạng đến nay. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng về những vi phạm nhân quyền có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ông Duterte cho biết Tổng thống đắc cử Trump đã khen ngợi chiến dịch này. “Ông ấy nói: ‘Tôi biết ông đang lo lắng chuyện bị một số người chỉ trích. Nhưng ông đang làm rất tốt, hãy cứ tiếp tục’”, ông Duterte thuật lại lời của Trump.
Theo lời nhà lãnh đạo Philippines, Trump cũng chia sẻ “tôi đang gặp vấn đề về chuyện biên giới Mỹ - Mexico” và mời chính thức Duterte đến thăm Mỹ. “Khi ông đến Washington hay New York, hãy ghé thăm tôi và tôi sẽ mời cà phê. Có lẽ ông sẽ cho tôi vài lời khuyên để giải quyết mớ rắc rối này”, ông Duterte kể lại.
Kazakhstan
Ngày 30/11, Trump nhận cuộc gọi chúc mừng từ Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Về địa chính trị, Kazakhstan nằm ở trung tâm vùng Âu Á, giáp biên giới với Nga và Trung Quốc đều là 2 điểm nóng trong chính sách đối ngoại Mỹ. Trang National Interest gọi cuộc gọi này là một "cú sốc".
Trong nội dung điện đàm do chính phủ Kazakhstan công bố, ông Trump dành nhiều ngôn từ nồng ấm cho nhà lãnh đạo Nazarbayev.
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống đắc cử Mỹ ca ngợi những thành tích phát triển đất nước mà Kazakhstan đạt được là một “phép màu”. Thông cáo cho biết ông Trump và Nazarbayev “tuyên bố quyết tâm đưa quan hệ hữu nghị song phương lên tầm cao mới”. Trump cũng tỏ ý muốn gặp Tổng thống Nazarbayev.
Trump cũng có thể trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Kazakhstan.
Trái với thái độ của Trump, một số quốc gia phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho chỉ trích Nazarbayev về lối cai trị, kiểm soát báo chí và gian lận bầu cử để giành thắng lợi hơn 90% trong cuộc bầu cử năm 2015. Ông Nazarbayev đã giữ chức tổng thống ở Kazakhstan 25 năm qua, từ năm 1991 đến nay sau khi rời khỏi Liên Xô.