Theo các nhà khoa học, ước tính, trên Trái đất có từ 5 tới 20 vụ tuyệt chủng hàng loạt lớn trong khoảng 540 triệu năm gần đây.
2 nhà cổ sinh vật học Jack Sepkoski và David M. Raup trong một bài báo năm 1982 đã xác định 5 vụ đại tuyệt chủng nổi bật và được đông đảo giới khoa học tán thành.
5 sự kiện tuyệt chủng xảy ra ở các thời kỳ, gồm: Cuối kỷ Ordovic, Kỷ Devon muộn, Cuối kỷ Permi, Cuối kỷ Triat, Cuối kỷ Creta.
Cụ thể:
1. Cuối kỷ Creta (tuyệt chủng K-T) xảy ra 65 triệu năm trước đánh dấu sự chuyển tiếp từ kỷ Creta sang kỷ Paleogen. Khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã tuyệt chủng sau biến cố này.
Sự kiện này đánh dấu chấm dứt thời kì thống trị của khủng long, mở ra con đường cho sự phát triển của động vật có vú và chim trở thành những sinh vật thống trị mặt đất.
Nó cũng tiêu diệt một lượng lớn các loài sinh vật cố định ở biển (như san hô, chân ngỗng...) khiến số lượng các loài này giảm xuống còn 33%.
Tuyệt chủng K-T là một vụ tuyệt chủng không đồng đều. Có những sinh vật bị tuyệt chủng hoàn toàn, một số khác chịu những ảnh hưởng nặng nề và một số lại hầu như không bị ảnh hưởng đáng kể.
2. Sự kiện tuyệt chủng Kỷ Trias–Jura, xảy ra 205 triệu năm về trước đánh dấu bước chuyển từ kỷ Triat sang kỷ Jura. Khoảng 23% số lượng họ và 48% số chi (bao gồm 20% số họ và 55% số chi sinh vật biển) tuyệt chủng.
Trên mặt đất, phần lớn các sinh vật thuộc nhóm bò sát thuộc phụ lớp thằn lằn cổ (archosauria) ngoại trừ khủng long đều tuyệt chủng. Bên cạnh đó là sự biến mất của hầu hết sinh vật thuộc nhóm bò sát thuộc bộ thằn lằn cung thú (therapsida) và phần lớn động vật lưỡng cư.
Chính những nhân tố này đã tạo ra cơ hội có một không hai cho khủng long giành vị trí thống trị trên đất liền suốt kỷ Jura và kỷ Creta sau đó. Nhóm bò sát thuộc phụ lớp thằn lằn cổ sống dưới nước, tổ tiên của loài cá sấu ngày nay, tiếp tục thống trị các vùng nước ngọt và bò sát thuộc nhóm sọ hai cung (Diapsida) không bao gồm các loài archosaur (tức là các loài thuộc nhóm thằn lằn cổ rắn (Sauropterygia), thằn lằn cá (Ichthyopterygia)...) thống trị biển cả.
Một nhánh của lưỡng cư là Temnospondyl gồm một số loài lưỡng cư cỡ lớn cũng vẫn tồn tại tiếp cho đến kỷ Creta ở Australia.
3. Sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi - kỷ Triat, xảy ra 251 triệu năm về trước giữa 2 kỷ Permi và kỷ Triat. Đây là vụ tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử sinh học, giết chết 57% số họ và 83% số chi (trong đó có 53% số họ và 84% số chi sinh vật biển).
Sự kiện này đã tiêu diệt hoàn toàn khỏi Trái Đất 96% số loài sinh vật biển và 70% số loài sống trên cạn, bao gồm cả động vật có xương sống, côn trùng và thực vật.Nó đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình tiến hóa trên Trái đất: trên Mặt đất, động vật thuộc nhóm bò sát dạng thú (Synapsida) đánh mất ưu thế.
Cần đến 30 triệu năm để các nhóm sinh vật có xương sống phục hồi số lượng và sự đa dạng. Chỗ trống của nhóm Synapsida sau đó được thay thế bởi nhóm thằn lằn cổ Archosauria.
Ở biển, nhóm động vật sống cố định đã giảm từ 67% xuống còn 50% trong tổng số động vật biển. Thực sự thì đối với nhóm sinh vật biển, thời kì cuối kỷ Permi là một thời kì thực sự khó khăn.
4. Sự kiện tuyệt chủng kỷ Devon muộn, xảy ra cách đây 360 đến 375 triệu năm, ngay trước thời điểm chuyển giao giữa kỷ Devon và kỷ Cacbon.
Cuối tầng Frasne, một chuỗi dài các vụ tuyệt chủng liên tiếp đã tiêu diệt 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài.[4] Có những chứng cứ cho thấy đây là một chuỗi các vụ tuyệt chủng liên tiếp kéo dài có thể lên đến 20 triệu năm.
5. Sự kiện tuyệt chủng kỷ Ordovic - kỷ Silur, xảy ra 440 đến 450 triệu năm về trước đánh dấu ranh giới giữa 2 kỷ Ordovic và kỷ Silur. Đã có 2 vụ tuyệt chủng liên tiếp trong giai đoạn này, tiêu diệt 27% số họ, 57% số chi.
Đây được đánh giá là vụ tuyệt chủng lớn thứ hai trong lịch sử Trái Đất nếu đánh giá theo tỉ lệ số chi bị tiêu diệt.
Liệu Trái đất có xảy ra cuộc đại tuyệt chủng thứ 6?
Tất cả các cuộc tuyệt chủng trong lịch sử đều do thiên nhiên gây ra, diễn ra có tính chu kỳ. Mỗi sự sụp đổ đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, tạo điều kiện phát triển cho nhiều sinh vật có sức sống mạnh mẽ. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là, liệu cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 có xuất hiện?
Đại tuyệt chủng thứ 6 do con người gây ra. |
Thực tế, nó đang có dấu hiệu manh nha bắt đầu. Lần này không phải do thiên nhiên nữa, mà chính con người đang tiến hành cuộc “tự sát”. Sẽ không phải là núi lửa phun trào, thiên thạch va chạm, mực nước biển thay đổi đột ngột, mà là ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu…
Theo nghiên cứu chung của các nhà khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu của Mỹ (gồm: các trường Stanford, Princeton và Berkeley) thì số lượng các loài động vật có xương sống đang biến mất với tốc độ cao hơn 114 lần so với bình thường.
Điều này có nghĩa là số lượng loài đã bị tuyệt chủng trong vòng 100 năm qua bằng số lượng loài tuyệt chủng trong 11.400 năm.
Theo Gerardo Ceballos, tác giả chính của nhóm nghiên cứu, nói thêm: "Nếu sự biến mất của các loài còn tiếp tục, cuộc sống sẽ mất nhiều triệu năm để phục hồi và loài người chúng ta có khả năng sẽ biến mất sớm hơn".
Xem thêm:
- Bằng chứng Trái đất đang bước vào thời kỳ đại tuyệt chủng thứ 6
- iFact Có thể bạn chưa biết: 10 sự thật bất ngờ về khủng long
- Phát hiện: Hóa thạch cá voi niên đại 40 triệu năm tại Ai Cập
- Sự thật về Titanoboa - Quái vật rắn khổng lồ nhất lịch sử Trái đất
Trang Ly (T/h)