Vài tháng sau khi dịch Covid-19 bùng nổ trên thế giới, Liên Hợp Quốc đã công bố bản báo cáo đánh giá kỹ hơn về mối quan hệ giữa con người với bệnh lây truyền từ động vật. Sự gần gũi ngày càng tăng giữa con người với động vật là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều căn bệnh.
Bên cạnh đó, vật nuôi cũng có vai trò quan trọng trong mối quan hệ này. Nhiều căn bệnh cũng xuất phát từ vật nuôi trong nhà. Chúng là nguồn mang bệnh, cũng có thể là vật chủ cầu nối, truyền nhiễm từ tự nhiên sang người.
Dưới đây là những căn bệnh lây truyền từ động vật sang người, gây ra các đợt bùng phát lớn trên thế giới trong 2 thế kỷ qua.
Sốt Q
Năm 1937, bác sĩ Edward Holbrook được yêu cầu điều tra về căn bệnh bí ẩn khiến một số công nhân lò mổ và nông dân chăn nuôi bò sữa bị sốt ở Queensland, Australia. Ông đã đặt tên tạm thời cho căn bệnh là sốt Q (chữ Q là để truy vấn). Báo cáo của bác sĩ Edward kết luận "có thể có ổ bệnh ở một số động vật". Tuy nhiên, những nỗ lực tìm kiếm ổ bệnh đó cho đến nay vẫn chưa tìm ra.
Chính phủ Hà Lan đã tiêu hủy hàng nghìn con dê sữa khi dịch sốt Q bùng phát. Ảnh: Reuters.Bệnh não xốp ở bò (BSE) |
Năm 2007, một đợt bùng phát mạnh ở khu vực đông dân cư tại Hà Lan và các trang trại nuôi dê với 50.000 người mắc bệnh. Tính đến năm 2016, 74 người được báo cáo đã tử vong vì căn bệnh này. Chính phủ Hà Lan đã tiêu hủy hơn 50.000 con dê sữa tại 55 trang trại để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Mayo Clinic, sốt Q là căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Coxiella burnetii gây ra. Sốt Q có thể lây truyền từ động vật truyền sang người, phổ biến nhất là cừu, dê và gia súc. Khi hít phải các hạt bụi trong chuồng chứa động vật nhiễm virus, bạn có thể bị lây bệnh. Dạng sốt Q nguy hiểm này có thể gây hại cho tim, gan, não và phổi.
Tờ The Guardian cho hay bệnh não xốp bò, hay bệnh bò điên, là chứng rối loạn thần kinh tiến triển của gia súc. Tình trạng não và tủy của bò bị phá hủy khiến chúng có hành động kỳ lạ, mất khả năng kiểm soát những việc bình thường như đi lại.
Căn bệnh lần đầu tiên được xác định trên gia súc vào năm 1985. Năm 1996, các nhà khoa học phát hiện biến thể của bệnh bò điên ở người. Đó là bệnh Creutzfeldt-Jakob (vCJD), có nguy cơ tử vong cao. 178 người ở Anh đã tử vong vì căn bệnh này. Hàng triệu gia súc bị tiêu hủy.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người mắc bệnh bò điên có biểu hiện suy sụp tinh thần nhanh chóng, tính cách thay đổi, mất trí nhớ, giảm thị lực, mất ngủ. Khó nói, khó nuốt, co giật đột ngột cũng là dấu hiệu phổ biến của căn bệnh này.
Cúm gia cầm H5N1
H5N1 xảy ra tự nhiên trong quần thể chim hoang dã, cho đến những năm 1990, ít người nghi ngờ nó có thể lây sang người. Vì vậy, vào năm 1997, khi một cậu bé 3 tuổi ở Hồng Kông (Trung Quốc) tử vong vì suy hô hấp, ban đầu người ta cho rằng đó là bệnh viêm phổi do virus.
Các nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm tại chợ đầu mối ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: Foxnews.Virus Nipah |
Tuy nhiên, vài tháng sau, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây tử vong là loại cúm gia cầm có độc lực cao: H5N1. Sáu người được cho là đã tử vong trong đợt bùng phát này, hơn 300 triệu con ngỗng bị tiêu hủy ở Trung Quốc. Từ năm 2003 đến 2019, 800 trường hợp được báo cáo nhiễm H5N1, trong đó, 400 trường hợp tử vong.
H5N1 được báo cáo lây truyền từ người sang người và gây tử vong ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Phần lớn trường hợp nhiễm H5N1 ở người có liên quan việc tiếp xúc gia cầm nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 tại Malaysia. 300 người nhiễm virus và 100 trường hợp tử vong. Cái tên Nipah được đặt theo một trong những ngôi làng đầu tiên mà virus này tấn công.
Nhiều nạn nhân của virus này là những nông dân nuôi lợn. Ban đầu, nhà chức trách xác định virus lây nhiễm từ lợn nên đã tiêu hủy hàng triệu loài vật này để dập tắt dịch bệnh. Nhưng các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện chúng cũng bị lây nhiễm virus Nipah từ loài dơi ăn quả thuộc chi Pteropus.
Ở người, bệnh do virus Nipah có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và viêm não, dẫn đến tử vong. Ước tính, tỷ lệ tử vong do virus Nipah là 40-75%.
Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS)
SARS được phát hiện lần đầu tiên trên người vào năm 2002 ở vùng phía nam Trung Quốc. Đợt bùng phát này là dấu hiệu cảnh báo sớm về mối nguy hiểm gây chết người do virus corona lây truyền từ động vật sang người.
Nguyên nhân được cho bắt nguồn từ loài dơi trước khi lây truyền sang người thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi hương.
Virus lây lan khi con người tiếp xúc gần, giết mổ hoặc ăn thịt động vật nhiễm bệnh chưa được nấu chín. Nó có thể lây từ người sang người qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Virus gây bệnh SARS lây lan khắp thế giới, nhưng các nước hành động nhanh chóng, dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 7/2003. Ước tính, 8.500 người nhiễm bệnh, trong đó có 800 người tử vong (10-11%). Hàng nghìn con cầy hương nuôi bị tiêu hủy.
Cúm lợn H1N1
Khi bệnh cúm lợn được phát hiện ở người tại California (Mỹ) vào tháng 4/2009, dịch bắt đầu bùng phát nhanh chóng. Đầu tháng 5/2009, các trường học ở Mỹ đóng cửa. Đến tháng 6, WHO đã tuyên bố đại dịch cúm lợn H1N1. Căn bệnh nhanh chóng lây lan sang người ở Mexico và nhiều nước trên thế giới. Phần lớn trường hợp tử vong xảy ra ở Đông Nam Á và châu Phi.
Bệnh cúm lợn H1N1 bùng phát ở Mỹ vào tháng 4/2009. Ảnh: Nytimes. |
Virus cúm lợn H1N1 lây lan qua không khí, giữa người với người thông qua giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Các chủng virus H1N1 trước đó đã truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với thịt bị nhiễm bệnh tại lò mổ. Nghiên cứu cho thấy virus phát triển do hoạt động buôn bán lợn xuất khẩu trên sông giữa Mỹ và Mexico.
Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)
Đây là bệnh đường hô hấp do virus MERS-CoV gây ra ở người. Nó được báo cáo xảy ra lần đầu tiên ở Ả Rập Xê-Út vào năm 2012, sau đó đã lây lan sang 27 quốc gia. Hơn 2.400 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có ít nhất 912 người tử vong.
Hầu hết người nhiễm MERS-CoV đều phát triển tình trạng hô hấp nghiêm trọng, bao gồm sốt, ho và khó thở. Viêm phổi là dấu hiệu phổ biến.
Theo WHO, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lạc đà một bướu là vật chủ chính chứa MERS-CoV, nguồn lây nhiễm bệnh sang người.
Virus MERS-CoV không dễ dàng truyền từ người sang người trừ khi có tiếp xúc gần như chăm sóc người bệnh không bảo hộ cẩn thận. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh xảy ra tại các cơ sở y tế, giữa thành viên trong gia đình...