Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tín hiệu lạc quan là trong tháng 7, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%).
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 4,0%; thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%.
7 tháng đầu năm 2020, dù nhiều mặt hàng XK giảm về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên nhiều mặt hàng khác vẫn tăng như gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể: giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%); rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%); sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), XK tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%); quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%); sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9,0%); mây, tre, cói thảm đạt 305 triệu USD (tăng 14,7%)... Hiện đã có 6 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ với trên 4,5 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2020, các mặt hàng giảm về kim ngạch XK là sao su đạt 864 triệu USD (giảm 19,5%), chè đạt 111 triệu USD (giảm 7,7%), hồ tiêu đạt 395 triệu USD (giảm 22,5%), trái cây đạt 1,5 tỷ USD (giảm 20,2%), cá tra đạt 828 triệu USD (giảm 26,9%).
Về thị trường xuất khẩu: Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 24,1% thị phần.
Tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,1% thị phần; XK sang các nước ASEAN đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và chiếm 10,27% thị phần; thị trường EU ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 2,7% và chiếm 9,9% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt gần 1,9 tỷ USD, giảm 0,1%, chiếm gần 8,6% thị phần...
Đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa
Theo Tổng cục Thủy sản, trong tháng 7, sản xuất thủy sản phục hồi, sản lượng thủy sản ước đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt gần 4,65 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian qua, đã cử các đoàn công tác về các địa phương để triển khai các giải pháp nhằm phát triển nuôi tôm. Trong đó, chú trọng vào việc kiểm tra các cơ sở sản xuất giống và vận chuyển con giống.
7 tháng đầu năm 2020, XK tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%). |
Theo đó, lần đầu tiên, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành tiêu hủy 4.900 con tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc định trà trộn vào các cơ sở cung cấp con giống cho người nuôi.
Đối với cá tra, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường khai thác thị trường nội địa, Tổng cục Thủy sản đã khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường phía Bắc, nhất là các hệ thống nhà ăn tập thể. Điển hình như Xí nghiệp Bắc Hà (thuộc Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) hiện mỗi tháng đang tiêu thụ khoảng 150-200 tấn/tháng.
Để tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa, vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức kết nối giữa Công ty An Việt (tại phía Bắc) và Công ty Nam Việt (tại An Giang) xây dựng chương trình truyền thông bài bản để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường phía Bắc, nhất là các suất ăn công nghiệp, trường học.
Dự kiến giữa tháng 8/2020 tới, hai doanh nghiệp này sẽ tổ chức một sự kiện kết nối tiêu thụ với các trường học lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các khu công nghiệp lớn như Công ty Sam Sung (Thái Nguyên và Bắc Ninh).
Mở cửa thêm các mặt hàng trái cây xuất khẩu
Vấn đề mở đàm phán, mở cửa xuất khẩu một số loại nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, đối với thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật đang hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật mà hai bên đã đàm phán xong đối với một số loại trái cây và nông sản khác như thạch đen, khoai lang, sầu riêng.
Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 nên các chuyên gia phía Trung Quốc chưa thể sang để triển khai công tác kiểm tra, đánh giá các vùng trồng tại phía Việt Nam. Các hoạt động này sẽ được hai nước triển khai ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục BVTV tiếp tục quyết liệt đàm phán, mở cửa thêm các mặt hàng nông sản xuất khẩu (Trong ảnh: Chuyên gia Trung Quốc kiểm tra cơ sở sơ chế, đóng gói thạch đen của Việt Nam). |
Đối với Mỹ, Cục Bảo vệ Thực vật cũng đang đàm phán mở cửa tiếp cho trái cây thứ 7 để xuất khẩu sang thị trường này, đó là quả bưởi. Đến nay, các thủ tục đàm phán đã cơ bản hoàn tất, nếu không có gì thay đổi thì có thể tháng 9/2020 (hoặc muộn hơn là tháng 11/2020), phía Mỹ sẽ cho phép mở cửa đối với quả bưởi của Việt Nam.
Ngoài ra, quả bưởi của Việt Nam cũng đang được đàm phán để mở cửa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc (dự kiến hoàn tất các thủ tục vào quý I năm 2021).
Đối với thị trường Nhật Bản, ngoài quả vải của Việt Nam vừa được cho phép xuất khẩu, Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục triển khai đàm phán mở cửa tiếp đối với quả nhãn để xuất khẩu sang Nhật.
Tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7/2020, tổng đàn lợn cả nước giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi đàn gia cầm tăng 5,5%; đàn bò tăng 3,0%).
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ còn xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai...
Cục Thú y đang tích cực phối hợp với các địa phương nhằm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và các chuỗi sản xuất một số sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong, tổ yến để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về nhập khẩu thịt lợn, Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 130 doanh nghiệp triển khai nhập khẩu với số lượng khoảng trên 92 nghìn tấn thịt lợn, cùng 27 lần doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn giống, với số lượng đăng ký 293 nghìn con, trong đó đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 15.300 lợn giống về nước, tăng hơn 6 lần so với năm 2019.
Đối với việc nhập khẩu lợn sống (lợn thịt) từ Thái Lan, đã có 36 lần doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu, với số lượng trên 4,7 triệu con, trong đó đến nay có 13 doanh nghiệp triển khai nhập khẩu với số lượng trên 60.000 con (tính đến ngày 26/7).
Hiện tại, số lượng lợn thịt nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đang trung bình duy trì khoảng từ 2.000 – 3.000 con/ngày và đang tiếp tục tăng lên.