Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua 8 chính sách, cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Về cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công để thí điểm áp dụng cơ chế cho phép địa phương sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho một số đối tượng của các CTMTQG vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.
Về thực hiện yêu cầu của Quốc hội đối với xây dựng cơ chế thí điểm xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện Chính phủ và các bộ, ngành chưa nhận được đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù, thí điểm xử lý các vấn đề này.
Tại dự thảo nghị quyết, 1 trong 8 cơ chế Chính phủ đề xuất là: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương (NSTW) hàng năm theo tổng kinh phí từng CTMTQG; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên NSTW hàng năm cho UBND cấp tỉnh theo tổng kinh phí từng CTMTQG; HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán của từng CTMTQG chi tiết đến từng dự án thành phần.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, đa số các ý kiến đều tán thành với đề xuất của Chính phủ. Việc điều chỉnh này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán. Mặt khác, chính sách này cũng thể hiện tinh thần phân cấp, trao quyền theo nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐDT lưu ý về tính phù hợp khả thi của việc phân cấp phân bổ vốn cho cấp huyện và cho rằng, nên chăng nội dung này chỉ nên áp dụng với các huyện được chọn làm thí điểm.
Liên quan đến điều chỉnh dự toán NSNN, Thường trực HĐDT thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó quy định việc điều chỉnh dự toán NSNN các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Đồng thời, quy định cho phép điều chuyển các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không có khả năng giải ngân để bổ sung vốn thực hiện các dự án khác trong cùng CTMTQG.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, đa số các ý kiến đều băn khoăn về tính khả thi với dự thảo nội dung này, nhất là việc tiếp tục giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù.
Theo Thường trực HĐDT, nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết 100/2022/QH15 và quy định theo hướng: cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất; làm rõ tiêu chí lựa chọn, làm rõ thẩm quyền và nội dung phân cấp đối với cấp huyện (không giao Chính phủ quy định).
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có cơ chế chuyển phần ngân sách không giải ngân, khó giải ngân bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng đối tượng, cho vay ưu đãi đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đối với đề xuất về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Thường trực HĐDT cho rằng, nội dung chính sách trong dự thảo chưa rõ, Chính phủ cần báo cáo làm rõ các nội dung và nghiên cứu một trong hai phương án.
Phương án 1 là không nên áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với các tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sử dụng vốn NSNN trong các CTMTQG hiện nay. Vì các tài sản này có giá trị không lớn, mang mục đích, ý nghĩa hỗ trợ cho người dân, hộ nghèo, vùng khó khăn. Mặt khác, sau khi dự án kết thúc chương trình, việc đánh giá, thanh lý, thu hồi tài sản sẽ rất phức tạp, tạo thêm gánh nặng cho địa phương.
Phương án 2 là không quản lý đối với tài sản hỗ trợ cho cộng đồng. Đối với với tài sản hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, cần phân loại tài sản để hỗ trợ cho phù hợp. Chính phủ nghiên cứu cơ chế, hỗ trợ trước không thu hồi cho các chủ trì liên kết, tỷ lệ nhất định của tài sản (ví dụ khoảng 20% giá trị tài sản) từ nguồn NSNN; giá trị còn lại, cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.