Thổi hồn Việt vào hành khúc phương Tây
“Văn Cao đã rời xa dương thế 28 năm nhưng hình như trong tâm trí cả dân tộc Việt Nam, ông vẫn bên ta hằng ngày”, đó là chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong một buổi tọa đàm khoa học về Văn Cao đầu tháng 11/2023 vừa qua.
Sinh ra vào những năm đầu thế kỷ 20, Văn Cao thuộc thế hệ thanh niên ưu tú, được tiếp thu những tinh hoa văn hoá hai thế giới Đông - Tây. Những tác phẩm của ông đã mang lại cho giới mộ điệu một lối cảm thụ nghệ thuật mới. Đặc biệt, các ca khúc của Văn Cao luôn được quảng đại quần chúng đón nhận, từ tình khúc cho tới trường ca.
Sự nghiệp sáng tác của Văn Cao gắn liền với những giai đoạn phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam từ thời kỳ thuộc địa, cho tới thời kỳ cách mạng và kéo dài sang giai đoạn đổi mới, mà đỉnh cao nhất là thập niên 1940 - 1950.
Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm, khi mới ở tuổi thiếu niên. Ông đặt chân vào văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó chuyển sang thơ nhưng âm nhạc mới thực sự là địa hạt giúp ông có những giây phút thăng hoa nhất.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định phần nhạc của Văn Cao cho thấy sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta. Từng có nhận xét: “nhạc Văn Cao khá Tây!”. Ông không hề mượn một làn điệu dân ca nào nhưng những tiếp nhận từ phương Tây đã được chuốt lại theo thẩm âm Việt, đan kết hoặc xen kẽ với những nét đặc trưng của chất liệu Việt để chuyển tải một tâm hồn thuần Việt.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi ở tuổi 16, trong mùa thu thương nhớ tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng, Văn Cao đã viết “Buồn tàn thu” (1939) có hơi hướng làn điệu ca trù. Ca khúc được nhiều thế hệ người yêu nhạc cảm nhận một sự kết nối với truyền thống rõ rệt. Từ mùa thu năm xưa, người nhạc sĩ sinh năm 1923 tiếp tục thăng hoa với những “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”.
Văn Cao góp phần không nhỏ cho sự định hình thể loại trường ca trong âm nhạc, với “Trường ca Sông Lô” là một trong những đỉnh cao của thể loại này. Trên thực tế, tư duy trường ca đã được Văn Cao gửi gắm trong các sáng tác thời kỳ đầu như “Thiên thai” (1941), “Trương Chi” (1942), “Đàn chim Việt” (1948)... Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường không thể hiện hết được.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng về cấu trúc, Văn Cao có sự chuyển biến dần từ những thử nghiệm đầu tiên phát triển tự do theo bản năng đến ý thức về cấu trúc khúc triết kiểu Tây, rồi không dừng ở khuôn khổ bài bản theo lý thuyết phương Tây mà luôn hướng tới tính linh hoạt trong lối phát triển chiều ngang đặc thù của nhạc cổ truyền Việt Nam.
Được ưu ái trong tình khúc, cấu trúc linh hoạt còn lan sang cả hành khúc, đây cũng là một trong những yếu tố “Việt hóa” thể loại hành khúc phương Tây.
Sự kết hợp hai truyền thống “Tây” và “ta” còn được thấy rõ hơn khi đi sâu vào những yếu tố chính trong ngôn ngữ âm nhạc của Văn Cao: Điệu tính và điệu thức, âm vực và cung quãng, nhịp điệu và tiết tấu, đường nét gia điệu và thủ pháp phát triển tuyến nhạc.
“Nhiều ca khúc của Văn Cao đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng bởi giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật. Âm nhạc của ông đã và sẽ còn truyền cảm hứng, năng lượng cho các thế hệ khác nhau”, bà Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ.
Phức cảm lưu lạc trong âm nhạc Văn Cao
Nhiều năm nghiên cứu nền tân nhạc Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng những lời ca cho thấy phức cảm lưu lạc và hội tụ trong âm nhạc Văn Cao.
Theo nhà nghiên cứu Trương Quý, cảm thức lưu lạc có lẽ không chỉ riêng Văn Cao, mà những thanh niên theo đuổi nghiệp văn chương nghệ thuật giai đoạn sau năm 1940 đều đối diện, như các bài thơ chủ đề tha hương của Nguyễn Bính hoặc rõ hơn là các truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao.
“Đây cũng có thể gọi là thế hệ cách mạng, bởi lẽ ở lứa tuổi hai mươi, họ là lực lượng đã tham gia vào các nhóm phái hay lực lượng chính trị mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa khác nhau trong cao trào giải phóng dân tộc 1945”, nhà nghiên cứu cho biết.
Trước khi được cách mạng giác ngộ, Văn Cao vẫn là một nghệ sĩ lang thang, mang nét tương đồng các nghệ sĩ đường phố đang tìm kiếm cơ hội sáng tạo ở các đô thành lớn trên thế giới.
“Tân nhạc với tư cách một loại hình nghệ thuật mới, vào thời kỳ này vẫn chiếm vai trò khá khiêm tốn trong khung cảnh văn hóa đại chúng, vì thế những ca khúc của Văn Cao dễ hiểu giống như những thể nghiệm của tuổi trẻ hơn là một hình thức chuyên môn nhà nghề”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nhận xét.
Phức cảm lưu lạc còn tiếp tục trong giai đoạn cách mạng và kháng chiến của Văn Cao. Các bài hát tựa như những nhật ký kháng chiến, ghi lại hành trình đã được dự báo từ bản hành khúc “bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” (“Tiến quân ca”, 1944), cho tới “rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa” (“Làng tôi”, 1947) đến “Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theo” (“Ngày mùa”, 1948).
Hành trình phiêu bạt của Văn Cao và dân tộc chỉ chấm dứt khi nhạc sĩ cùng đoàn quân “tiến về Hà Nội” như khung cảnh: “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây” (“Tiến về Hà Nội”, 1949).
Trách nhiệm của nghệ sĩ với thời cuộc
Bàn luận về di sản của Văn Cao, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, khẳng định rằng với những tác phẩm bất hủ được trình diễn, những ý kiến, đánh giá của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về sự nghiệp, con người Văn Cao, cũng chính là câu chuyện, là vấn đề mà xã hội đang quan tâm trong cuộc sống hôm nay. Đó là ý thức trách nhiệm, tình yêu, nỗ lực đóng góp của văn nghệ sĩ đối với đất nước, dân tộc.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, giới văn nghệ sĩ hiện nay vẫn đứng trước nhiều câu hỏi về trách nhiệm sáng tạo, xây dựng những tác phẩm lớn; về tình cảm, sự gắn bó với nhân dân, đất nước; về cả những băn khoăn khi đâu đó chúng ta thấy có sự xao nhãng đối với những chủ đề lớn của dân tộc, đất nước, xa rời với thực tế đời sống, ẩn mình vào cái “tôi” ích kỷ, thậm chí có những quan điểm, phát ngôn đi ngược lại quyền lợi chính đáng của đất nước, nhân dân, gây ảnh hưởng đến mối đoàn kết dân tộc; hay sự thiếu tích cực trong việc đấu tranh phản biện của văn nghệ sĩ đối với xã hội…
“Trân trọng những gì Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu khác đã làm, chúng ta có thể nhận ra, vững tin hơn vào những bài học của lịch sử cho hiện tại”, ông Đỗ Hồng Quân chỉ ra.
Trước khi cách mạng giành được chính quyền năm 1945, thì từ năm 1943, với “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, nhiều văn nghệ sĩ đã đáp lại tiếng gọi của cách mạng bằng tình yêu nhiệt thành với Tổ quốc. Từ đó, họ lạc quan, tin tưởng và cất lên tiếng nói tranh đấu, tiếng nói dự báo về thành công của cách mạng, kháng chiến.
Nhìn lại con đường của Văn Cao trong dòng chảy tân nhạc trước năm 1945, ông hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thiên Thai (1941), “Suối mơ” (1942)... Cho đến năm 1946, Văn Cao viết cho 9 năm kháng chiến gian khổ và hào hùng của dân tộc. Cả sau này nữa, ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết cho công nhân, công an, hải quân, không quân…
Đến mùa xuân năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, Văn Cao muốn kết thúc hành trình của bản thân với dòng chảy lịch sử của đất nước bằng ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. Sử dụng một nhịp điệu 3/4 (gần như valse) nhịp nhàng, thánh thót, Văn Cao như muốn nhắn nhủ rằng sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình.
“Nhìn vào đó, và cả một chặng thời gian nhưng chục năm mà Văn Cao chịu những khó khăn, thiệt thòi, chúng ta, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trẻ, càng nhận ra bài học sâu sắc của lòng yêu nước, sự sáng tạo không ngừng, luôn gieo niềm tin yêu vào tác phẩm và chuyền tải điều đó đến quần chúng”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết.