Dự án có tên gọi Bears nhắm tới những trẻ em bị khiếm thính nặng hoặc khiếm thính hoàn toàn đã được cấy ốc tai điện tử.
Kỹ sư âm thanh Lorenzo Picinali từ Đại học Imperial College London, một trong những nhà nghiên cứu của dự án, cho biết: “Những đứa trẻ bị khiếm thính nặng cần nhiều biện pháp can thiệp lớn hơn để khôi phục thính giác. Và trò chơi thực tế ảo có thể là một biện pháp hiệu quả”.
Trong trò chơi, người chơi được đeo tai nghe thực tế ảo và điều hành một quầy bán đồ ăn để giành được điểm cho mỗi đơn hàng hoàn thành. Nhịp độ dần tăng lên và người chơi nhận được những yêu cầu ngày càng phức tạp từ các nhân vật hoạt hình. Những khách hàng này đến đông hơn và đưa ra yêu cầu một cách dồn dập. Lúc này, tiếng ồn xung quanh người chơi trở nên to và hỗn loạn hơn.
Theo ông Picinali, trò chơi này rất khó nhưng sẽ “cải thiện khả năng xác định âm thanh và giúp trẻ hiểu được lời nói”.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng bạn càng định vị âm thanh tốt thì bạn càng hiểu rõ hơn những gì ai đó đang nói với bạn. Lời nói sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tình huống ồn ào”, ông Picinali nói.
Nhà nghiên cứu này cũng cho biết thêm, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách một người tiếp nhận âm thanh, bao gồm cả kích thước đầu và hình dạng tai.
Các trò chơi khác cũng được phát triển tại Imperial bao gồm nhắm mục tiêu xác định bằng tín hiệu âm thanh hoặc bằng sự khác biệt về cao độ của âm thanh.
Ông Picinali cho biết: “Trẻ em khiếm thính được cấy ốc tai điện tử đã tham gia thử nghiệm các trò chơi và đóng vai trò quan trọng trong dự án này.”
Những người bị khiếm thính nặng khó có thể sử dụng máy trợ thính vì thiết bị này chỉ đơn thuần khuếch đại âm thanh. Thay vào đó, ốc tai điện tử được gắn vào hộp sọ phía sau tai hữu ích hơn đối với họ. Thiết bị này có thể biến các rung động trong không khí thành tín hiệu điện sau đó truyền đến não bộ để phân tích các tín hiệu đó thành âm thanh.
Tuy nhiên, những tín hiệu này thường gây nhầm lẫn và làm mất phương hướng dẫn đến người dùng nhận được âm thanh bị méo mó. Việc định vị âm thanh và nghe cuộc trò chuyện ở những nơi ồn ào vẫn rất khó hiểu khi sử dụng ốc tai điện tử. Thêm vào đó, một số người dùng cho biết họ không thể điều chỉnh âm thanh bản thân tạo ra theo ý muốn.
“Mặc dù cấy ốc tai điện tử là cứu tinh cho trẻ khiếm thính nặng nhưng trẻ sẽ gặp khó khăn khi làm quen với thiết bị”, ông Picinali nói. “Việc luyện tập bằng trò chơi thực tế ảo sẽ giúp các tín hiệu được gửi đến não dễ hiểu hơn. Những gì chúng tôi đang làm là giúp họ sắp xếp lại hệ thống thính giác của mình.”
Có khoảng 6.500 trẻ em ở Anh bị khiếm thính nặng, cấy ốc tai điện tử là hy vọng duy nhất để phục hồi thính giác cho các em. Với sự giúp đỡ của đơn vị thử nghiệm lâm sàng toàn diện tại Đại học College London, dự án này sẽ có hơn 300 trẻ em khiếm thính tham gia thử nghiệm và dự kiến hoàn thành trong khoảng 18 tháng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả cuối cùng sẽ không chỉ hỗ trợ trẻ em cấy ốc tai điện tử mà còn có thể cải thiện khả năng nghe của tất cả trẻ khiếm thính tại Anh.