Thu hút các tài năng khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến thu hút tài năng khoa học hàng đầu thế giới nhờ chính sách trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh để nâng tầm trí tuệ của dân tộc, xem đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới trong đó có những nhà khoa học đoạt giải Nobel và nhiều giải thưởng danh giá khác đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường học thuật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam.

Từ Gặp gỡ Việt Nam

Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, một địa phương nằm ở miền Trung Việt Nam đầy nắng gió. Gần 20 năm trước, không ai nghĩ nơi đây sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng, đoạt giải Nobel, từ đó, hình thành trung tâm khám phá khoa học đầu tiên của cả nước.

Kể về hành trình của Hội Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm đi vào hoạt động của Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Giáo sư Vật lý người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân, người khởi xướng, dành nhiều tâm huyết với hai tổ chức này cho biết: Hội Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993, trên cơ sở kinh nghiệm và từ thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về các tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ năm 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ năm 1989). Mục đích chính của Hội Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học, giáo dục bậc cao của Việt Nam. Năm 2012, Hội đã trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.

Đến năm 2023, Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong số này có 18 Giáo sư đoạt giải Nobel, 2 Giáo sư đoạt giải Fields (được xem là giải Nobel của môn Toán học), 2 Giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), 1 Giáo sư đoạt giải Shaw (được xem là giải Nobel Phương Đông), 3 Giáo sư đoạt giải Dirac, 1 Giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác… Cùng với đó, Hội tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học; giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với các Giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế…

Các sự kiện khoa học tổ chức tại Trung tâm cũng thu hút hàng nghìn nhà khoa học quốc tế danh tiếng và uy tín tham dự. Nhờ hoạt động có hiệu quả của Trung tâm cùng chính sách thu hút đầu tư, quan tâm đến phát triển khoa học của Bình Định, Tập đoàn FPT và Công ty TMA Solutions là những công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam đã quyết định đầu tư tại tỉnh Bình Định.

Đến nay, cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới với nhà khoa học Việt Nam, thanh niên, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học thông qua Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành vẫn tiếp diễn. Dòng chảy của khoa học thế giới vẫn len lỏi trong dòng chảy của khoa học Việt Nam, để tình yêu, niềm tin vào khoa học, nghiên cứu, ứng dụng, công nghệ vẫn chảy mãi trong các thế hệ người Việt Nam.

Thu hẹp khoảng cách với thế giới

Một hướng cập nhật dòng chảy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, đó là Giải thưởng VinFuture - giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thường niên có giá trị lớn nhất thế giới. Hiện VinFuture đang bước vào mùa giải thứ 4 với gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 9.000 nhà khoa học trở thành đối tác đề cử.

Giáo sư Sir. Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture đánh giá, uy tín và sức hút của Việt Nam trên bản đồ khoa học toàn cầu ngày càng rõ nét. Giải thưởng VinFuture đã thu hút sự quan tâm từ nhiều nơi, được chào đón những nhà khoa học đến Việt Nam. Ở mùa đầu tiên, Tiến sỹ Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman - hai nhà khoa học đoạt giải VinFuture với công trình nghiên cứu giúp phát triển vaccine mRNA ngừa COVID-19 đã có mặt tại Hà Nội. Hai năm sau khi được vinh danh, họ tiếp tục được trao giải Nobel Y Sinh 2023. Hai chủ nhân khác của Giải Đặc biệt VinFuture mùa 2 (năm 2022) là Tiến sỹ Demis Hassabis và Tiến sỹ John Jumper cũng vừa thắng giải Nobel Hóa học 2024.

Trong năm 2024, nhóm tác giả từng được vinh danh ở Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới là Giáo sư Daniel Joshua Drucker (Canada), Giáo sư Joel Francis Habener (Mỹ), Giáo sư Jens Juul Holst (Đan Mạch) và Phó Giáo sư Svetlana Mojsov (Mỹ) lần lượt được Tạp chí Time vinh danh trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới và lọt vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sức khỏe. Họ cũng tiếp tục được vinh danh ở nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác trong năm nay như Tang Prize, giải thưởng Lasker Awards…

“Tất cả các nhà khoa học trên đều đã đến Hà Nội và giao lưu với cộng đồng khoa học cùng sinh viên Việt Nam. Điều đó thật sự truyền cảm hứng, chứng minh rằng Việt Nam cũng đang dần trở một trong những điểm đến thu hút các tài năng khoa học hàng đầu thế giới”, Giáo sư Sir. Richard Henry Friend nói.

Giáo sư Rachid Yazami, chuyên gia về công nghệ pin, Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2023 tin rằng Việt Nam có thể làm được những điều mà những nước khác chưa làm được, bởi ở đây có những nhà khoa học xuất sắc, chuyên gia công nghệ giỏi, kỹ sư tài năng, cùng với đó là một thị trường tiềm năng. Đặc biệt, khoảng cách giữa khoa học công nghệ Việt Nam và thế giới đang ngày một thu hẹp nhờ cầu nối như VinFutures. Điều này tạo thuận lợi cho việc triển khai công nghệ mới nhanh chóng và hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới./.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.