Áp lực thi cử thời hiện đại

Áp lực thi cử thời hiện đại

Học sinh nhập viện vì quá tải bài vở, học sinh khác trầm cảm vì tự ti… Cứ đến mùa thi, áp lực về điểm số và những kỳ vọng vây quanh đã khiến con trẻ kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần.

__________________

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 1

Mùa hè đến, phố phường đỏ thắm hoa phượng, tiếng trống trường tạm nghỉ, nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi du lịch. Thế nhưng, những học sinh lớp 9 vẫn đang tất bật “chạy đua” với thời gian, gấp rút ôn luyện để mong vào được những ngôi trường mình mong muốn.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước). Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập. Đồng nghĩa với việc, các em học sinh kém may mắn phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.

Để giành được “một tấm vé ”vào trường THPT công lập, các em nhỏ chỉ mới 15 tuổi đã phải tham gia vào cuộc “chạy đua” khốc liệt mang tên “điểm số”.

Với mong muốn bản thân có thể đỗ vào những trường THPT thuộc Top đầu thành phố, ngoài việc học trên trường, Nguyễn Bích Thủy, học sinh lớp 9 THCS P.D, Hà Nội còn tham gia thêm những lớp luyện thi 1 kèm 1 với giáo viên.

Bích Thủy chia sẻ, mỗi ngày của em bắt đầu bằng các tiết học nối tiếp nhau tại trường kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút chiều. Sau đó, em chỉ kịp ăn nhẹ chiếc bánh bao để có đủ năng lượng tham gia các lớp học thêm đến 21 giờ tối. Chưa kể khi về đến nhà vẫn phải cố hoàn thiện bài tập trên lớp và ôn tập thêm những dạng đề mở rộng. Học mọi lúc mọi nơi, học được đến đâu hay đến đấy.

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 2

Cũng giống như Thủy, Gia Hiền, học sinh lớp 9, THCS Phan Thiết, Tuyên Quang vô cùng lo lắng khi ngày thi cận kề. Hiền chia sẻ: “Nguyện vọng của em là trường THPT Chuyên Tuyên Quang, em muốn vào trường chuyên để mở ra cơ hội học hỏi nhiều điều hay và mới mẻ cho bản thân”.

Hiền cho biết thêm, tuy bản thân không chịu nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình nhưng vì là một học sinh giỏi, luôn đứng top của lớp nên em không muốn bản thân “ngủ quên trên chiến thắng.”

Không chỉ học sinh cuối cấp cơ sở, học sinh khối 12 đứng trước ngưỡng cửa đại học cũng đang ra sức ôn luyện.

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 3

Đồng hành cùng các con, nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng tinh thần cùng thức, cùng học với con. Các con phấp phỏng 1 thì phụ huynh lo lắng gấp 10. Phụ huynh của em Nguyễn Bích Thủy chia sẻ: “Con thi nhưng bố mẹ cũng mất ăn, mất ngủ, phần vì thức cùng con để ôn luyện, phần vì lo cho con nên không thể ngủ ngon”. Bản thân chị cũng kỳ vọng nhiều ở con, bởi con là con cả, nhà cũng không khá giả gì nên với quan điểm của vợ chồng chị, chỉ có cách học thật tốt mới có thể thay đổi cuộc sống”.

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 4
Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 5

Trước những áp lực thi cử và sự kỳ vọng lớn từ phía cha mẹ, nhiều học sinh phải “căng mình” với guồng quay học hành, thi cử, từ học ở trường, học ở nhà đến học thêm tại các trung tâm. Điều này dẫn đến tình trạng trầm cảm, stress của trẻ ngày càng tăng cao ở các mức độ khác nhau.

TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra số liệu: Trong một nghiên cứu năm 2019-2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi, kết quả cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%).

TS Dương Minh Tâm cho biết thêm, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 6

Còn theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng Khoa Sức khoẻ Vị thành niên cho biết, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

Theo TS.BS Vinh, trong năm 2022, Khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%. Đây là con số đáng báo động cho thấy tình trạng sức khỏe tinh thần ở nhiều học sinh đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Chứng rối loạn tâm thần có thể khiến các em không kiểm soát được cảm xúc, có những hành động chống đối và quá khích, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và thậm chí là đạo đức con người.

Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất cũng là vấn đề đáng lo ngại với những học sinh đặt nặng áp lực học tập và thi cử. Những bệnh lý mà các em có thể gặp phải do căng thẳng như: thủng ổ loét hành tá tràng, đau/loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, suy kiệt… Những căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đau đớn cho bản thân bệnh nhân, thậm chí còn có thể dẫn tới ung thư hay các biến chứng nguy hiểm.

Áp lực thi cử thời hiện đại ảnh 7

Các chuyên gia tâm lý cho rằng gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện tốt giúp trẻ vượt qua những áp lực trong cuộc sống, thi cử. Cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải toả được những áp lực về học tập - thi cử.

Trầm cảm, stress là điều không thể tránh khỏi khi mùa thi gõ cửa. Cha mẹ cần đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục - thể thao đều đặn sẽ giúp con có một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất.n

* Tên nhân vật học sinh trong bài đã được thay đổi.

Bài: Lê Linh

Thiết kế: Trần Tùng Linh

TIN LIÊN QUAN
Quốc gia chuẩn bị đón năm mới... 2017
Quốc gia chuẩn bị đón năm mới... 2017
(Ngày Nay) - Vào ngày 11/9 tới, người dân Ethiopia sẽ kỷ niệm thời khắc chuyền giao giữa năm cũ và năm mới. Tuy nhiên, khi quốc gia Đông Phi này bước sang năm mới trong vài tháng nữa thì về mặt kỹ thuật đó sẽ là năm 2017, theo lịch của người Ethiopia.
Tỷ phú Elon Musk
56 tỷ USD tiền thưởng của Elon Musk vẫn chưa ngã ngũ
(Ngày Nay) - Tesla và những người phản đối khoản lương khổng lồ dành cho Elon Musk đang tranh cãi gay gắt về việc giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến gói lương 56 tỷ USD của vị CEO này và hàng tỷ USD phí pháp lý xoay quanh vụ việc này .
Khóa tu mùa hè năm 2023 tại Chùa Ba Vàng.
Chùa Ba Vàng tạm hoãn tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024
(Ngày Nay) - Sáng ngày 21/6 website chùa Ba Vàng thông báo "Do bận một số Phật sự quan trọng trong mùa An cư kiết hạ, nhà chùa xin thông báo tạm hoãn tổ chức các Khoá tu mùa hè mà Quý Phụ huynh và Khoá sinh đã đăng ký, cho đến khi có thông báo mới"
Ảnh minh hoạ.
NASA hoãn vô thời hạn việc tàu Starliner trở về Trái đất
(Ngày Nay) - Trong thông báo ngày 21/6, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết kế hoạch đưa tàu Starliner của Boeing chở theo các phi hành gia từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) về Trái Đất tiếp tục bị hoãn. NASA không đưa ra thời hạn dự kiến mới cho kế hoạch này.