Một nhóm nghiên cứu từ NASA vừa đưa ra lời cảnh báo về chu kỳ cháy đang tăng tốc ở những cánh rừng quanh cực Bắc của Trái đất, chủ yếu do sự phức tạp hóa của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cháy ở khu vực không người hay bắt đầu bằng sét đánh.
"Chúng ta đang có những đám cháy thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những khu vực bị cháy lớn hơn" – nhà nghiên cứu hỏa hoạn Liz Hoy từ Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA, nói.
Tuyên bố trên dựa vào dữ liệu thu thập từ chương trình Thí nghiệm về vùng dễ bị tổn thương ở Bắc Cực – Phương Bắc (ABoVE), một chiến dịch thực địa kiểm tra khả năng phục hồi của các hệ sinh thái và xã hội phương Bắc trước biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng thiệt hại không chỉ nằm ở các đám rừng bị cháy mà còn ở một tầng sâu hơn bên dưới, với thảm họa có thể khủng hiếp hơn. Cháy rừng gây phát thải carbon dữ dội, làm ô nhiễm không khí. Đồng thời, một lớp dất dày ở khu vực cháy bị hủy hoại. Lớp đất này ngoài việc làm nền cho cây cối sinh sôi, còn là lớp cách nhiệt cho tầng băng vĩnh cửa bên dưới. Đất bị mất vì cháy, băng sẽ tan.
Xuống sâu nữa bên dưới tầng băng vĩnh cửu này là tầng đất cổ đại, nơi có vô số động vật và thực vật thuộc về những tầng địa chất cổ xưa, bị chôn hàng ngàn năm nhưng chưa phân hủy vì được băng giá bao bọc. Nếu băng tan, ngôi mộ cổ khổng lồ này bị "mở nắp", tất cả sẽ bắt đầu phân hủy và phát thải một lượng carbon khổng lồ vào khí quyển.
ABoVE cũng đang tìm hiểu xem liệu các hạt vật chất độc hại do cháy rừng giải phóng ảnh hưởng thế nào đến hệ hô hấp và tim mạch của con người, đặc biệt là cư dân gần Bắc Cực như người sống ở Alaska.
Đây không phải nghiên cứu khoa học đầu tiên tính đến mối đe dọa của tầng đất bên dưới băng vĩnh cửu Bắc Cực. Năm 2018, một nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà di truyền học người Mỹ George Church đã tuyên bố sẽ tái sinh voi ma mút để cứu lấy Bắc Cực và trái đất.
Nhóm của ông George Church gọi lớp đất chứa vật liệu hữu cơ chưa phân hủy dưới "mộ băng" là "bom thời gian methane". Nếu chúng bị phơi trần, một lượng lớn carbon dioxide và methane sẽ bị giải phóng vào không khí, trong đó lượng carbon phát thải tương dương với việc đốt cháy 2,5 lần các khu rừng trên thế giới cộng lại. Vì thế cần có các sinh vật to lớn như ma mút hiện diện, giúp lớp đất ở Bắc Cực được đào xới và nén xuống, tạo đường cho cái lạnh xâm nhập sâu và khóa chặt "mộ băng".