Greenland đã mất 12,5 tỷ tấn băng do tan chảy vào ngày 2/8, đây là kỷ lục lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hòn đảo và đánh động thế giới về tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Kulusuk cũng là trại căn cứ cho chương trình nghiên cứu băng tan tại Greenland của NASA. Các nhà khoa học đã đi đến hòn đảo lớn nhất thế giới trong năm nay sau khi châu Âu và nước Mỹ trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử, phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây ra hiện tượng tan băng ồ ạt.
Nhà hải dương học Josh Willis và nhóm của ông đang điều tra làm thế nào băng bị tan chảy không chỉ bởi nhiệt độ không khí tăng mà còn bởi đại dương đang nóng lên.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một máy bay để phóng các tàu thăm dò đặc biệt qua tầng băng, sau đó truyền dữ liệu về nhiệt độ và độ mặn, được sử dụng để khám phá mực nước biển có thể tăng và ý nghĩa của chúng đối với nhân loại trong tương lai.
"Có đủ băng ở Greenland khiến mực nước biển thêm 7,5 mét, một khối lượng băng khổng lồ và sẽ tàn phá các bờ biển trên khắp hành tinh", ông Willis nói.
Khi máy bay đến gần sông băng Helheim, các nhà khoa học phát hiện ra một hồ nước không có băng ở ngay phía trước sông băng, điều hiếm khi xảy ra. Các tàu thăm dò cũng thu được nhiều dữ liệu đáng lo ngại, nước sông Helheim đang ngày càng ấm lên.
"Thông thường chúng ta thấy nước lạnh hơn ở độ cao hơn 100 mét, nhưng ngay trước sông băng, nước lại đang ấm lên", Ian Fenty, nhà nghiên cứu khí hậu cho biết. "Những vùng nước ấm này hiện có thể tiếp xúc trực tiếp với băng trên toàn bộ bề mặt của nó, làm gia tăng sự tan chảy".
Helheim đã trở nên nổi tiếng trong những năm gần đây khi lượng băng trên con sông này đang tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong năm 2017, các sông này đã tan chảy hơn 2km băng, và một năm sau đó các nhà khoa học từ Đại học New York phát hiện một tảng băng khổng lồ tách ra khỏi sông băng do tan chảy.
Các sông băng như Helheim, và thậm chí cả những con sông nhỏ hơn xung quanh làng Kulusuk, đủ lớn để khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm nửa milimet chỉ trong một tháng - điều mà các nhà nghiên cứu của NASA cho rằng không thể bỏ qua.
"Greenland đã tác động đến tất cả hành tinh. Một tỷ tấn băng bị mất ở đây làm tăng mực nước biển ở Australia, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu", ông Willis nói. "Tất cả chúng ta được kết nối bởi cùng một đại dương."