Uống ít nước hoặc mang tã giấy là cách mà bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm để duy trì những ca trực dài trong dịch Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, 42 tuổi, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nhiệm vụ của anh là thư ký tổ điều trị, gồm khoảng 150 y bác sĩ bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Bình kể, chuẩn bị vào ca, các y bác sĩ mang áo, mũ, găng tay, và thêm một món đồ trước đây mọi người chưa từng dùng đến - tã giấy. Những ngày này, mỗi ca trực của y bác sĩ dài 4-5 giờ, lúc dịch lên cao, ca trực dài 12 giờ.
Nhốt mình trong bộ bảo hộ tiêu chuẩn khi chăm sóc bệnh nhân, chỉ một giờ sau, cơ thể họ ướt đẫm mồ hôi.
Mặc đồ bảo hộ đúng cách là một quy trình thật cẩn thận, nhưng lúc cởi đồ còn phức tạp hơn bởi nếu sơ sẩy để tay chạm vào mặt ngoài sẽ bị lây nhiễm mầm bệnh. Đồ bảo hộ chỉ mặc một lần, mỗi lần đi vệ sinh là một lần vứt bỏ luôn.
"Thay một bộ mới vừa tốn thời gian, vừa tốn kém", bác sĩ Bình nói. "Mọi người bèn nghĩ cách hạn chế uống nước, cứ mặc một bộ suốt ca trực luôn".
Nhưng khi số bệnh nhân tăng lên, ca trực dài ra, phương án giảm uống nước trước khi mặc đồ bảo hộ không khả thi. Các y bác sĩ nghĩ đến việc dùng tã giấy để tiết kiệm thời gian. Sáng kiến này vừa xuất phát từ nhu cầu cá nhân, vừa học kinh nghiệm đồng nghiệp nước ngoài.
"Khi có tã giấy, chúng tôi có thể thoải mái làm việc, nạp năng lượng, không gặp phải khó khăn nữa", bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê |
Với các bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, tiết kiệm từng giờ phút và thức đêm là yêu cầu thường xuyên. Bác sĩ Bình kể "bệnh nhân 20", 64 tuổi, có khi ngừng tim vài lần trong một đêm, cả kíp trực thức trắng hội chẩn và cứu chữa. Đã có bác sĩ bị nhiễm nCoV trong lúc điều trị các bệnh nhân nặng. Giữa những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, các bác sĩ có thể bất thần được gọi đi cấp cứu.
"Lúc đó mới bắt đầu mặc đồ bảo hộ thì chậm mất, đấy là lý do bác sĩ cứ mang nguyên bộ suốt ca, kể cả ca đêm", ông nói.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở y tế tuyến đầu, đến nay điều trị khỏi hơn 100 bệnh nhân Covid-19, nhiều nhất cả nước. Áp lực về thể chất và tinh thần đặt lên vai các y bác sĩ, nhiều người chưa từng ra khỏi bệnh viện từ ngày 6/3, khi dịch xuất hiện trở lại.
"Phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, cũng không thể nói là không lo lắng", bác sĩ Bình tâm sự. "Nhưng đã bước chân vào ngành truyền nhiễm, chúng tôi xác định sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ biện pháp dự phòng để hạn chế lây nhiễm nhất có thể".