Ban cố vấn, gồm nhóm chuyên gia kinh tế độc lập, khuyến nghị đánh thuế thải carbon cao hơn, trong đó có cả thuế phát thải từ lĩnh vực hàng hải và hàng không - cần phải là một trong những lựa chọn nghiên cứu tại COP28. Thành viên Ban cố vấn, ông Amar Bhattacharya, thuộc Trung tâm Phát triển Bền vững Brookings, nhấn mạnh giới chuyên gia nhận thấy tiềm năng lớn, đặc biệt là từ việc đánh thuế những tác nhân phát thải khí gây ô nhiễm và sử dụng số tiền đó để tạo ra các nguồn tài nguyên.
Ngoài việc nêu ra nhu cầu cấp thiết về các nguồn tài trợ mới, báo cáo của Ban cố vấn cho rằng có thể phân bổ lại các dòng doanh thu hiện nay. Báo cáo nêu rõ các khoản đầu tư vào nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch đang tiếp tục vượt xa đầu tư cho nền kinh tế sạch. Tổng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch lên tới 1.300 tỷ USD và thậm chí còn cao hơn nhiều nếu tính chi phí xã hội để xử lý khí thải và ô nhiễm.
Đồng chủ trì báo cáo trên, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Vera Songwe, cho biết trọng tâm của báo cáo là làm thế nào thúc đẩy các khoản đầu tư cần thiết để thế giới đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C. Đây cũng là lý do báo cáo tập trung vào tốc độ và quy mô bởi càng chờ đợi, chi phí càng đắt đỏ.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chủ nhà tổ chức hội nghị và cũng là một nước xuất khẩu dầu mỏ, nhấn mạnh rằng trong 2 tuần diễn ra hội nghị, COP28 cần đưa ra những hành động cụ thể về tài trợ khí hậu, vốn đang bị ảnh hưởng bởi gánh nặng nợ công ngày một gia tăng và những nỗ lực chắp vá của tài chính tư nhân.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi đánh thuế carbon đối với hoạt động vận tải biển, vốn vận chuyển khoảng 90% thương mại thế giới và thải ra gần 3% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Lĩnh vực hàng không, thải ra 2-3% tổng lượng khí thải, không nằm trong phạm vi trực tiếp của Hiệp định Paris nhưng ngành vận tải hàng không đã cam kết sẽ tuân thủ các mục tiêu của mình.
Ban cố vấn ước tính các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, không kể Trung Quốc, sẽ cần tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ USD/năm tới năm 2030 - gấp 4 lần mức hiện tại - để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng, thích ứng với nền kinh tế của họ và đối phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù phần lớn số tiền này có thể được huy động trong nước, nhưng Ban cố vấn kêu gọi các nước giàu tăng gấp 3 lần số lượng các khoản vay ưu đãi được cung cấp tới năm 2030. Hiện các nước này đã trễ hẹn ít nhất 2 năm trong việc thực hiện cam kết hỗ trợ các nước nghèo hơn 100 tỷ USD trong vấn đề biến đổi khí hậu.