Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đông đảo cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên trên cả nước bày tỏ sự vui mừng và hy vọng chính sách hỗ trợ sẽ sớm được thực hiện.
Ông Lợi cho biết, trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có kiến nghị về việc số lượng cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã tích cực tham gia trong tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều cơ quan báo chí có doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40 - 50%. Đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tòa soạn, cũng như đời sống của người làm báo.
Vì vậy, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung các cơ quan báo chí, nhà báo vào danh sách đối tượng được gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế.
Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, báo chí là một trong các lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Hàng ngày các cơ quan báo chí thuộc các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử đăng phát hàng chục nghìn tin bài, sản phẩm báo chí để tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch.
Đồng thời, báo chí phản ánh kịp thời cuộc chiến chống dịch đang diễn ra hết sức quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cũng như tham mưu, hiến kế các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại đầy đủ, toàn diện, minh bạch, đồng loạt, quy mô lớn như hiện nay.
"Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, chính xác, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người, thể hiện tinh thần dấn thân, quả cảm của các nhà báo, thể hiện ngời sáng tính chiến đấu và tính nhân văn tốt đẹp của Báo chí Cách mạng Việt Nam", ông Lợi nói.
Trong một phát biểu cách đây vài tháng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác báo chí, thông tin truyền thông.
"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp", ông Lợi cho hay.
Theo ông Hồ Quang Lợi, những cơ chế mà Chính phủ có thể hỗ trợ báo chí như: miễn, giảm thuế, không bị phạt khi chậm nộp thuế; cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm vật tư, trang thiết bị, phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.
Bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung cho Quỹ bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Tổng biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn cho biết, việc đưa báo chí vào đối tượng được hỗ trợ khó khăn do Covid-19 gây ra là rất đúng và cần thiết. Bởi bịch bệnh Covid-19 đã và đang gây những khó khăn toàn diện cho báo chí, nhất là báo in.
Ông Sơn phân tích, dịch bệnh gây những khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh... dẫn tới nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên báo chí giảm mạnh.
Thứ hai, đối với những tờ báo in, việc nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội, đối tượng bạn đọc không đến cơ quan, công sở, trường học, thậm chí là không ra đường nên số lượng báo giảm rất mạnh, kéo theo công in tăng lên và nguồn thu tụt giảm. Thậm chí nhiều ấn phẩm phải dừng xuất bản vì đối tượng chính không ra khỏi nhà để tiếp cận được.
"Báo Tiền Phong có 3 ấn phẩm như vậy. Trong khi đó, do yêu cầu thông tin và tuyên truyền phòng chống dịch, số lượng tin bài tăng rất nhiều (chủ yếu cho báo điện tử) khiến cho chi phí công lao động và nhuận bút tăng lên đáng kể", ông Sơn nói và cho biết, nếu không có hỗ trợ, hầu hết các cơ quan báo chí đều gặp khó khăn, thậm chí có cơ quan đứng trước vấn đề tồn tại hay không tồn tại.