Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 1
Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 2

1. Mellisa Dohme – một phụ nữ sống tại thành phố Clearwater, tiểu bang Florida, Mỹ - tỉnh lại trong bệnh viện với ống thở và toàn thân băng bó. Xung quanh Mellisa, gia đình và bè bạn cầu nguyện cho sức khỏe của cô. Vài giờ trước, cô còn nằm bất tỉnh trong vũng máu bên vệ đường ngoài nhà, tưởng chừng không thể sống sót. Những gì Mellisa kể lại sau đó với Đài truyền hình CBS News (Mỹ) như một bộ phim đầy bạo lực:

“Ba năm trước, tôi còn nhớ như in thời khắc gặp gỡ chàng trai “quyến rũ, ngọt ngào, hài hước” có tên là Robert Burton. Khi chúng tôi bắt đầu hò hẹn, mọi thứ thật tuyệt vời. Nhưng khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp trung học, sự ngọt ngào dần biến mất. Robert trở nên ghen tuông, hay cáu giận và kiểm soát tôi. Suốt hai năm hẹn hò với Robert, tôi đã bị lạm dụng tâm lý cảm xúc và lời nói nhưng không hay biết. Trong hai tháng trước khi tình cảm đổ vỡ, sự lạm dụng chuyển thành bạo lực thể chất. Tôi hoàn toàn cảm thấy khó chịu nhưng không thể thoát ra được.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 3

Anh ta đe dọa giết tôi, giết cả gia đình tôi và tự vẫn nếu tôi rời bỏ anh ta hoặc kể với bất kỳ ai chuyện bị bạo hành. Anh ta cố tìm cách tự tử, dùng vũ khí đe dọa tôi để chứng tỏ mình không nói đùa. Một tối, tôi dùng hết sức lực, dũng khí để chạy trốn và gọi cảnh sát. Robert bị bắt giữ với cáo buộc “bạo lực gia đình”. Tôi thấy nỗi sợ hãi của mình được “giải phóng” và tưởng chừng có thể kết thúc mối quan hệ này một cách êm đẹp.

Nhưng chỉ ba tháng sau, Robert lại liên tục điện thoại cho tôi vào nửa đêm với yêu cầu duy nhất là được ôm tôi. Anh ta khóc và hứa sẽ để tôi tự do nếu tôi chịu gặp và đáp ứng yêu cầu của anh ta. Tôi phớt lờ cảm giác bất ổn và ra ngoài gặp Robert. Tôi lập tức bị Robert tấn công với 19 vết thương ở đầu, cổ và mặt, 13 vết thương ở tay và chân. Hai bạn trẻ gần đó nghe tôi kêu cứu liền chạy tới và gọi 911 (số điện thoại dành cho các trường hợp khẩn cấp tại Mỹ). Tôi được đưa tới bệnh viện bằng máy bay.

Tại bệnh viện, do bị thương nặng, tôi bốn lần “chết đi, sống lại” và phải truyền rất nhiều máu. Bác sỹ nói rằng việc tôi thoát chết là sự thần kỳ. Chính vì nghĩ tôi đã chết, Robert tự tử nhưng không thành. Cuối cùng, anh ta chịu án tù chung thân”.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 4

Mellisa Dohme chính là một nạn nhân của bạo lực hẹn hò - vấn nạn đáng báo động không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (OWH) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), khái niệm “bạo lực hẹn hò” để chỉ sự lạm dụng, ngược đãi về mặt thể chất, tình dục, tâm lý cảm xúc hoặc lời nói mà một người nhằm vào bạn tình hẹn hò của mình.

Bạo lực thể chất gồm các hành vi: bóp cổ, đấm đá, tát, đạp, dùng vũ khí… gây thương tích. Bạo lực tình dục là việc ép buộc đối tác tham gia các loại hình tình dục dù họ không ưng thuận, thậm chí hiếp dâm bạn tình. Ngược đãi tâm lý cảm xúc hoặc lời nói gồm việc chửi mắng, gọi bạn tình bằng những từ ngữ miệt thị; đe dọa, cô lập họ khỏi gia đình, bè bạn; đổ lỗi cho đối phương về những việc ngoài ý muốn…

Ngoài ra, kiểm soát thông tin cá nhân trong các vật dụng công nghệ (smartphone, facebook, máy tính…) của bạn tình, can thiệp vào các khoản chi tiêu của đối phương (bạo lực về kinh tế, xem thêm bài trang 2-3), đeo bám sau khi chia tay cũng  là  những hình thức khác của bạo lực hẹn hò.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 5

Bạo lực hẹn hò có thể xảy ra ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên hoặc khi mối quan hệ yêu đương đã trở nên sâu đậm. Phụ nữ, không phân biệt màu da, chủng tộc, thu nhập, trình độ giáo dục… là nạn nhân chính của kiểu bạo lực này. Nam giới cũng có thể là nạn nhân, song họ thường chịu những hành vi bạo lực thể chất “nhẹ” của phụ nữ như: tát, cào cấu, ném đồ đạc…Một số người cho rằng “bạo lực hẹn hò” tương tự “bạo hành gia đình”, đặc biệt khi các cặp đôi sống chung với nhau mà chưa kết hôn.

Ở Mỹ, bạo lực hẹn hò khá phổ biến; tình trạng này còn trầm trọng hơn trong giới trẻ. Thống kê của Dự án “Tình yêu là sự tôn trọng” (Love is repect) do HHS bảo trợ cho thấy, 1/3 thanh niên Mỹ là nạn nhân của bạo lực hẹn hò, trong đó có gần 1,5 triệu  học sinh trung học bị bạo lực thể chất. Con gái từ 16 – 24 tuổi có tỷ lệ bị bạo lực hẹn hò cao nhất; tỷ lệ nữ sinh Đại học trải qua bạo lực hẹn hò lên tới 43%, trong đó có 16% bị lạm dụng tình dục.

Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn 2013 – 2017, trung bình mỗi ngày cảnh sát được thông báo khoảng 28 trường hợp bạo lực hẹn hò; riêng năm 2017, 10.303 vụ việc bạo lực hẹn hò đã được thông báo, tăng 23% so với năm 2016.

Tại Việt Nam, theo khảo sát năm 2014-2015 của nhóm Y.Change (nhóm bạn trẻ hoạt động về giới tại Hà Nội) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc, gần 59% nữ giới ở lứa tuổi từ 18-30 cho biết từng chịu bạo hành về tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 6

2. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra hàng loạt hậu quả lâu dài mà bạo lực hẹn hò gây ra cho phụ nữ, nhất là với các nữ sinh, như: sang chấn tâm lý (lo lắng, trầm cảm); sử dụng chất kích thích gây hại sức khỏe (hút thuốc lá, uống rượu, ma túy…); rối loạn ăn uống; chịu rủi ro từ hành vi tình dục (mang thai ngoài ý muốn, nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục - STI); nguy cơ cao chịu thêm tổn thương từ bạo hành gia đình; tự vẫn…

Thực tế ở Mỹ, bạo hành tình dục và thể chất khiến nạn nhân nữ có nguy cơ mang thai cao gấp 6 lần và nguy cơ mắc STI cao gấp đôi so với phụ nữ bình thường. ½ nữ sinh bị bạo lực hẹn hò và bị hãm hiếp có ý định tự tử.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 7
Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 8

Điều đáng lo ngại là sự hiểu biết về bạo lực hẹn hò trong giới trẻ ở nhiều quốc gia còn rất hạn chế. Trong khi đó, khi bị bạo hành, nạn nhân thường không dám chia sẻ với ai mà phải tự tìm cách giải quyết.

Tại Mỹ, 57% sinh viên đại học cho rằng rất khó nhận diện bạo lực hẹn hò, 58% không biết cách giúp đỡ các nạn nhân.

Theo Dự án “Tình yêu là sự tôn trọng”, chỉ có 33% giới trẻ Mỹ bị bạo lực hẹn hò dám chia sẻ chuyện của mình với người khác; 81% phụ huynh cho rằng bạo lực hẹn hò trong giới trẻ không phải vấn đề to tát và họ cũng không hiểu gì về vấn đề này.

Mellisa Dohme - nạn nhân của bạo lực hẹn hò - thừa nhận: “Khi học trung học, không ai đề cập về vấn đề bạo lực hẹn hò. Nếu hiểu bạo lực hẹn hò là gì, chắc chắn tôi đã không phải trải qua những điều kinh khủng như thế. Tôi thấy mình cần lên tiếng và trở thành một nhà hoạt động trong lĩnh vực bạo hành gia đình để giúp cộng đồng nâng cao nhận thức”.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 9

Để tránh bị bạo hành trong tình yêu, bà Dari Dyrness Olsen – chuyên gia tư vấn tình cảm ở New Jersey (Mỹ), tác giả cuốn sách “Hẹn hò an toàn cho phụ nữ” – khuyên phụ nữ không nên “yêu mù quáng”, quan tâm thái quá đến người mình yêu mà cần yêu cả bản thân; cần phát triển mối quan hệ yêu đương an toàn, lành mạnh; không bao giờ dựa hoàn toàn vào bạn trai; có tiếng nói bình đẳng trong quan hệ với bạn tình; trước khi chia tay người yêu, cần có kế hoạch “rút lui” an toàn…

Sherri Gordon – chuyên gia về phòng chống bạo hành gia đình, tác giả của hơn 20 cuốn sách viết cho giới trẻ tại Mỹ - đưa ra 09 cách mà phụ huynh và các nhà giáo dục có thể giúp đỡ người trẻ đương đầu với bạo lực hẹn hò.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 10

Thứ nhất, cách tốt nhất là ngăn chặn bạo lực hẹn hò từ khi còn “trứng nước”. Để làm được điều này, cần sớm dạy trẻ cách xây dựng và duy trì mối quan hệ tình cảm lành mạnh, theo đó phải dạy trẻ những kỹ năng sống quan trọng như: quyết đoán, giao tiếp tốt; xử lý tình huống bất hòa, giải quyết khúc mắc trong tình yêu một cách đúng mực, tôn trọng đối phương...

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 11

Thứ hai, giúp trẻ nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về bạo lực hẹn hò, từ những dấu hiệu ban đầu như: ghen tuông, kiểm soát...cho tới mức độ nghiêm trọng hơn như: đe dọa, cô lập, làm tổn hại thể chất…Khi xuất hiện các dấu hiệu này, yêu cầu trẻ chấm dứt quan hệ hẹn hò, thậm chí cả khi đối tác xin lỗi hay hứa hẹn không tái diễn.

Thứ ba, thay vì im lặng, dạy trẻ cách giúp đỡ bè bạn là nạn nhân của bạo lực hẹn hò. Cần thấu hiểu rằng bạo lực hẹn hò không bao giờ là lỗi của họ.

Thứ tư, phụ huynh cần trở thành nguồn chia sẻ thông tin đáng tin cậy của trẻ. Thay vì để con tiệc tùng, xem ti vi…, phụ huynh hãy trò chuyện để con hiểu thế nào là mối quan hệ lành mạnh hay không lành mạnh, không ngại ngần đề cập tới những chủ đề khó nói như tình dục. Điều quan trọng là lắng nghe tâm sự của con.

Thứ năm, nói cho con hiểu về cả mặt tốt lẫn mặt xấu của một mối quan hệ tình cảm. Phần lớn giới trẻ nhìn tình yêu dưới lăng kính toàn “màu hồng”. Bởi vậy, phải để con biết rằng sự bất đồng trong tình yêu là bình thường, giải quyết bất đồng này bằng bạo lực hoặc sự thiếu tôn trọng nhau là bất bình thường. Từ đó, hướng dẫn trẻ thoát khỏi các tình huống xấu như bị ép buộc quan hệ tình dục.

Thứ sáu, trang bị cho trẻ khả năng quyết đoán, bày tỏ được cảm xúc, ý kiến của mình. Ví dụ: nếu cảm thấy bị đối phương đối xử khiếm nhã, thiếu tôn trọng, trẻ có thể nói thẳng :”Tôi muốn bạn ra khỏi đây”.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 12

Thứ bảy, dạy con phân biệt những hành động lành mạnh và không lành mạnh trong tình yêu. Chẳng hạn việc cố kiểm soát nhau bằng việc đòi hỏi, mặc cả, thậm chí ức hiếp là không lành mạnh. Hành động lành mạnh phải là thương lượng, hợp tác giải quyết vấn đề.

Thứ tám, tạo ra chính sách “không có gì bí mật”. Trình bày cho con hiểu mối quan hệ tình cảm có nhiều điều phải giấu giếm thường chứa đựng nhiều hành vi có hại. Hơn nữa, giấu giếm sẽ làm con cô lập với gia đình, bè bạn. Thay vào đó, khuyến khích con tâm sự với mọi người về mối quan hệ yêu đương của mình.

Cuối cùng, cần chú ý tới những thay đổi nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày của con như tâm trạng thất thường, bỏ ăn uống, bỏ chơi thể thao, ít giao lưu bè bạn…Khi cần thiết, phụ huynh, nhà trường, thậm chí cảnh sát phải can thiệp để kéo con ra khỏi bạo lực hẹn hò.

Bạo lực hẹn hò: 'Thuốc độc' của tình yêu ảnh 13
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?