Một buổi trưa tháng Bảy tại ngôi trường tiểu học nhỏ ở làng Hasanpur, thành phố Lucknow miền Bắc Ấn Độ. Những đứa trẻ xếp hàng ngoài giếng nước để rửa tay với xà phòng. Giờ ăn trưa đã đến, nhưng nhà ăn thì lại đang ngập nước đến mắt cá chân do trận mưa to đêm trước đó.
Nằm cách trung tâm thành phố Lucknow 25 km, làng Hasanpur là một minh họa tiêu biểu cho khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng tại Ấn Độ. Bên cạnh ngôi làng, một khu đô thị nghỉ dưỡng đang mọc lên với những biệt thự và căn hộ sang trọng dành cho giới thượng lưu. Sau khi hoàn tất, phía bên trong những bức tường bao quanh khu đô thị này sẽ là một sân golf xanh mướt, những khu phố mua sắm và trường quốc tế.
Tuy nhiên, tại trường tiểu học cũ kỹ này, không có nhiều thay đổi trong suốt 40 năm qua. Vẫn là bốn lớp học xây bằng bê tông với mái hiên hẹp, hai nhà vệ sinh đã xuống cấp và một sân chơi đầy bùn đất.
Nhưng lũ trẻ ở đây vẫn hạnh phúc, ít nhất là trong giờ ăn trưa. “Cảm ơn Thượng đế vì thế giới đầy ngọt ngào, cảm ơn Thượng đế vì đã ban cho chúng con thức ăn, cảm ơn Thượng đế vì tiếng chim hót, cảm ơn Thượng đế vì tất cả mọi thứ”, chúng đọc lời cầu nguyện trước khi dùng bữa trưa. Với nhiều em, đây là bữa ăn đầu tiên trong ngày.
Một nhân viên nhà trường mang hai thùng inox ra hiên, nơi ăn trưa tạm thời của lũ trẻ. Các món ăn hôm nay khá đặc biệt - một suất cơm trộn rau to với món bánh sữa tráng miệng. Không có đủ bát đĩa, bọn trẻ ăn chung nhau trong những chiếc khay. Nhưng không em nào phàn nàn.
Bữa trưa tại trường tiểu học làng Hasanpur nằm trong chương trình bữa trưa học đường quy mô lớn nhất thế giới, nơi hàng chục triệu trẻ em được cung cấp bữa ăn nóng miễn phí 200 ngày mỗi năm. Chương trình Quốc gia Hỗ trợ Dinh dưỡng bậc Tiểu học của Ấn Độ được bắt đầu năm 1995 nhằm giải quyết thực trạng trẻ em bị đói khi tới lớp, đồng thời để nâng cao tỉ lệ học sinh tới trường cũng như chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Trường tiểu học Hasanpur là một trong hơn 1,2 triệu trường công ở Ấn Độ, nơi khoảng 100 triệu học sinh được ăn một bữa miễn phí mỗi ngày từ ngân sách nhà nước. Các suất ăn ở Hasanpur được nấu tại nhà bếp trong một khu công nghiệp cách đó 20km. Nhà bếp này thuộc sở hữu của Quỹ Akshaya Patra, một tổ chức phi chính phủ cung cấp 1,6 triệu bữa ăn mỗi ngày tại 26 nhà bếp ở 11 bang trên khắp đất nước. Mỗi suất ăn có tiêu chuẩn dinh dưỡng 300 calo và 12 gram chất đạm.
Chương trình bữa trưa học đường của Ấn Độ đã phát huy hiệu quả đến đâu trong việc cải thiện tỉ lệ học sinh tới trường và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em? Đây là câu hỏi không dễ trả lời do quy mô của chương trình cũng như những thách thức to lớn trong quá trình thực hiện.
Theo ông Madhu Pandit Dasa, Chủ tịch Quỹ Akshaya Patra, chương trình đã có ảnh hưởng tích cực, tỉ lệ học sinh tới trường được nâng cao đáng kể, trong khi tỉ lệ học sinh bỏ học giảm.
“Với trẻ em, bữa trưa học đường tạo động lực cho chúng tới trường. Cha mẹ cũng sẵn sàng cho con đi học hơn thay vì đẩy chúng ra đường mưu sinh. Xu hướng trẻ em phải đi làm kiếm tiền sớm cũng đã được đảo ngược, khiến tỉ lệ học sinh bỏ học giảm xuống”, ông Dasa cho biết.
Theo khảo sát được Quỹ Kusuma tiến hành tại các bang Odisha và Andhra Pradesh, nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con tới những cơ sở giáo dục có bữa trưa miễn phí. Tại 8 bang của Ấn Độ, tỉ lệ học sinh đến trường đã lên trên mức 90%.
Ông Dasa cũng cho rằng, một trong những hiệu quả tích cực khác của chương trình bữa trưa học đường là tỉ lệ trẻ em gái đi học cũng đã tăng rõ rệt. “Trước đây, các gia đình thường dồn công dồn của cho con trai tới trường, còn con gái ở nhà học việc nội trợ. Nhưng giờ đây điều này đã thay đổi, cha mẹ đã sẵn sàng cho cả con gái tới trường”.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu độc lập khác đã đặt nghi vấn về những kết luận này. Một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu Ứng dụng Quốc tế nhận định bữa trưa học đường không phải yếu tố duy nhất thu hút trẻ em tới trường. Có rất nhiều yếu tố khác chi phối việc đi học hay bỏ học của trẻ. Chương trình bữa trưa học đường đã thành công trong việc chấm dứt tình trạng học sinh bụng đói tới lớp.
Nhưng chương trình này cũng đã bộc lộ những nhược điểm nhất định: nhiều trường không có đủ dụng cụ nhà bếp và học sinh phải dùng lá chuối thay bát đĩa; dù trẻ em được hướng dẫn rửa sạch tay trước khi ăn nhưng chính thực phẩm lại không đủ vệ sinh an toàn và người nấu cũng không tuân thủ các quy định vệ sinh.
Những vấn đề được đưa ra trong nghiên cứu này hoàn toàn có cơ sở. Những tổ chức phi chính phủ như Quỹ Akshaya Patra chỉ cung cấp khoảng 2% trong tổng số 100 triệu bữa ăn được chính phủ bảo trợ. Số còn lại được thầy cô giáo hoặc nhân viên nhà trường nấu ngay tại chỗ, trong khi phần nhiều các ngôi trường đều thiếu những cơ sở vật chất cơ bản như nước sạch, nhà vệ sinh và bếp ăn. Do cơ sở vật chất hạn chế và thiếu người giám sát, các bữa ăn được nấu tại trường tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các nguy cơ sức khỏe khác.
Trong những năm gần đây, uy tín của chương trình bữa trưa học đường bị tổn hại nghiêm trọng vì các sự cố ngộ độc thực phẩm, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng tại nhiều bang khác nhau.
Năm 2013, có 23 học sinh thiệt mạng sau khi ăn món cơm đậu phụ bị nhiễm thuốc trừ sâu ở bang Bihar. Hiệu trưởng nhà trường đã bị kết án 17 năm tù do ngộ sát và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi thống kê chính thức trên cả nước còn chưa đầy đủ, thông tin từ truyền thông cho thấy hàng trăm trẻ em khác đã thiệt mạng trong những năm gần đây tại những bang khác.
Việc hiện thực hóa những dự án phúc lợi tại một đất nước đông dân như Ấn Độ không dễ dàng và dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong năm ngoái, cơ quan kiểm toán Ấn Độ đã chỉ ra được nhiều trường hợp có dấu hiệu quan liêu và tham nhũng nghiêm trọng.
“Chính quyền địa phương và các cơ quan thực hiện đã không giải ngân khoản tiền hỗ trợ xây dựng nhà bếp và nhà kho của chính phủ một cách kịp thời, dẫn đến việc thực phẩm không được bảo quản tử tế và việc nấu ăn phải diễn ra trong lớp học hoặc ngoài trời tại 14 bang”, báo cáo của Tổng Kiểm toán của cơ quan kiểm toán Ấn Độ cho biết. Báo cáo nhận định quá trình thực hiện chương trình bữa trưa học đường đã diễn ra rất yếu kém.
Nhưng những người ủng hộ chương trình bữa trưa học đường lập luận rằng báo cáo kiểm toán chỉ đóng vai trò chỉ ra những thiếu sót để có thể cải thiện chất lượng, chứ không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình này. Dù có những mặt yếu kém và thất thoát nhất định, nhưng chương trình bữa trưa học đường đã phát huy tác dụng trong việc tăng cường tỉ lệ trẻ em đến trường cũng như tăng cường thể lực cho học sinh. Những điều này không được phản ánh trong báo cáo của cơ quan kiểm toán.
Quỹ Akshaya Patra nhận thức được những thách thức trong việc thực thi một chương trình phúc lợi với quy mô lớn như thế này. “Chúng tôi muốn đến với trẻ em ở những vùng sâu vùng xa, nhưng rất khó để có thể lập ra được một bếp ăn tập trung tại những khu vực đó. Giải pháp của chúng tôi là mô hình phi tập trung hóa, theo đó chúng tôi sẽ thuê các nhóm phụ nữ tại địa phương nấu ăn. Chúng tôi cũng sử dụng máy móc để chế biến hàng loạt những món ăn đòi hỏi thời gian chế biến lâu”, ông Dasa cho biết.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng Quỹ Akshaya Patra tin rằng chương trình bữa trưa học đường đang giúp nâng cao thể lực cho học sinh bằng cách cung cấp cho chúng một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày. “Các bữa ăn của chúng tôi được chế biến dựa theo các quy định dinh dưỡng cho bữa ăn trưa. Với nhiều em học sinh, đây là bữa ăn tử tế duy nhất mà chúng có được trong ngày. Nhờ bữa ăn này, trẻ được bảo vệ khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, mệt mỏi và đề kháng kém”, ông Dasa cho biết. Hiện tại, suy dinh dưỡng là hiện trạng đang diễn ra rộng rãi tại Ấn Độ với tỉ lệ lên tới 38% tại nhiều khu vực. Trẻ em Ấn Độ chiếm tới một phần ba số trẻ em bị suy dinh dưỡng trên toàn thế giới.
Tại làng Hasanpur, cô giáo Rajan cũng tin rằng chương trình bữa trưa học đường đang mang lại kết quả. “Chúng tôi có 132 học sinh, chủ yếu là con em trong làng và có một số ít là con em các lao động di cư đang làm việc tại công trường khu đô thị nghỉ dưỡng kế bên. Trong hai năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện đáng kể. Trước kia, bữa ăn được nấu ngay tại trường, nhưng từ khi Quỹ Akshay Patra đảm nhận công việc này, chúng tôi đã đỡ vất vả hơn, và lũ trẻ cũng có được những bữa ăn phong phú hơn. Chương trình bữa trưa học đường chắc chắn là đã cải thiện được tình trạng học sinh bỏ học, nhưng giáo viên cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các em cho hứng thú với trường lớp”, cô Rajan cho biết.