Tình trạng bạo lực trong học sinh đang có chiều hướng càng ngày càng gia tăng về số lượng, hình thức cũng như mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2011-2018, có 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng. Trong số này, có 11.888 vụ đánh nhau gây thương tích, 256 vụ xâm hại tình dục, 915 vụ uy hiếp tinh thần, còn lại bằng các hình thức vi phạm khác...
Giáo viên và nhà trường biết việc học sinh bị bạn bạo hành xảy ra không phải lần đầu tiên thì trách nhiệm của nhà trường đến đâu? Hiệu trưởng của trường đó phải chịu trách nhiệm cao nhất. Cô chủ nhiệm cần bị xử lý kỷ luật, thậm chí đưa ra khỏi ngành.
Kinh hoàng, choáng váng
Ngày 29/3, thông tin từ trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) xác nhận, ngày 22/3 tại trường đã xảy ra sự việc một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 tham gia đánh một bạn nữ lớp 9A ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện tâm thần điều trị. Nhóm nữ sinh đã lột quần áo và liên tiếp đấm đá vào vùng mặt nữ sinh.
Là chuyên gia tâm lý trẻ em đã từng xem nhiều vụ bạo lực học đường nhưng khi nhìn thấy hình ảnh nữ sinh bị đánh đập, lột đồ tại Hưng Yên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương không khỏi rùng mình kinh hãi. “Tôi thực sự choáng váng. Đây là vụ việc kinh hoàng, những hành động của các em là quá dã man. Với em học sinh bị đánh, em không chỉ đau đớn về thân thể mà còn đau đớn hơn khi bị lộ thân thể trước nhiều người. Em không hề tự vệ mà chỉ chống đỡ, che chắn cơ thể mình,” bà Hương chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng chỉ đạo xử lý vụ việc. |
“Tôi rất bức xúc. Tại sao lại xảy ra sự việc như vậy trong môi trường học đường, mà diễn ra một cách rất tàn bạo. Các bạn xung quanh cổ vũ, thể hiện sự vô giáo dục, vô cảm và không có tình người. Không hiểu đây có phải là bạn bè, là con người với nhau nữa không? Em học sinh bị đánh bị tổn thương cơ thể nhưng nguy hiểm hơn là em sẽ bị sang chấn và tổn thương tâm lý một cách khủng khiếp và nặng nề. Liệu vết thương ấy có hồi phục được không là điều không thể biết trước được. Sau những sang chấn tâm lý lớn, đã từng có những em bé bị tâm thần, bị trầm cảm. Những tổn thương đó các em sẽ mang theo suốt đời”, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, nói.
Điều đáng nói là sự việc xảy ra ngay trên lớp học và tình trạng bắt nạt kéo dài trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp.
Đây cũng là chia sẻ của bà Vũ Thu Hương. Bà Hương cho rằng trong vụ việc này, giáo viên chủ nhiệm đáng bị xử lý hình sự khi không bảo vệ được học sinh, không hoàn thành nhiệm vụ mà cô được trả lương để làm.
Xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã yêu cầu xem xét quy trình xử lý cách chức toàn bộ ban giám hiệu, cách chức chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh.
“Sau vụ việc này, nếu có các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ xử lý tương tự như vậy,” ông Phóng nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa, các cấp quản lí ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?
Ông Nhạ đề nghị lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự.
“Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường,” ông Nhạ nói.