Nỗ lực sưu tầm nguồn tư liệu quý
Thừa Thiên - Huế sở hữu hệ thống tư liệu Hán Nôm đồ sộ, đa dạng và phong phú về thể loại. Các tư liệu Hán Nôm ở Thừa Thiên – Huế chủ yếu được thể hiện dưới hình thức sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, ngự bút của nhà vua cùng các văn bản quý hiếm ở các lĩnh vực văn hóa, pháp luật, hành chính, đất đai, dân số, gia phả, hương ước … có niên đại từ thời Lê, thời Tây Sơn, thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Những tư liệu này chính là "mảnh ghép" quan trọng, đa sắc màu trong bức tranh lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Huế. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm tại Thừa Thiên - Huế, nhất là nguồn tư liệu giấy dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng.
Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Thị Kim Oanh cho biết, từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công tác sưu tầm, số hóa cũng như phục hồi và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay, có gần 418.000 trang tư liệu với hơn 5.210 đầu tài liệu được số hóa và bảo quản; trong đó có nhiều tư liệu quý hiếm bị hư hỏng nặng đã được phục chế, nghiên cứu, xử lý và đưa vào khai thác phát huy giá trị. Hoạt động này đã góp phần bảo tồn di sản Hán Nôm, nguồn tài liệu quý giá cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, của vùng đất Thuận Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Việc khảo sát, sưu tầm và số hóa nguồn tư liệu Hán Nôn được Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai thực hiện tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ. Trong nguồn tư liệu được số hóa có thể kể đến các tư liệu quý như: Bộ luật Hoàng Việt Luật lệ thời vua Gia Long; nhiều sách đồng, sắc phong, chế phong bằng vải lụa ở các phủ Hàm Thuận Công, phủ Kiến Hòa Quận Công, phủ thờ Nguyễn Phúc Tộc; số hóa hơn 30.000 trang tư liệu, văn bản hành chính từ thời Lê, Tây Sơn, triều Nguyễn tại làng Phù Bài (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy), các sắc phong ở làng Kim Long, Lương Quán, Dương Xuân Thượng (thành phố Huế)…
Bên cạnh đó, Thư viện đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày các tư liệu Hán Nôm quý hiếm là các sắc phong, chế phong, bằng cấp và các văn bản khác đã được số hoá, phục chế.
Đặc biệt, Thư viện đã tuyển chọn xuất bản được một số ấn phẩm có giá trị này như cuốn "Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên - Huế", xuất bản năm 2018; cuốn "Sắc phong, Chế phong, Chiếu dưới thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (tuyển chọn) xuất bản năm 2020; cuốn "Bằng cấp quan chức Triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế" xuất bản năm 2021; cuốn "Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế" xuất bản năm 2022; sắp tới chuẩn bị ra mắt bạn đọc cuốn "Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế". Đồng thời, Thư viện đã xử lý nghiệp vụ, biên mục được 5.211 tài liệu vào phần mềm Emiclib sẵn sàng phục vụ bạn đọc.
Phát huy giá trị di sản Hán Nôm
Theo các chuyên gia, hệ thống di sản Hán Nôm tại Thừa Thiên – Huế cũng đối diện với nguy cơ hư hỏng, mất mát do ảnh hưởng của thời tiết, điều kiện bảo quản. Trong khi những người làm công tác nghiên cứu về tư liệu di sản Hán Nôm ngày càng ít đi, thế hệ trẻ không dễ tiếp cận những tư liệu này và việc đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này rất khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài.
Ngoài hệ thống tư liệu, thư tịch lưu trữ và bảo quản ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nguồn tư liệu tư liệu Hán Nôm ở trong cộng đồng làng xã, các họ tộc, tư gia còn rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh việc sưu tầm, số hóa, xử lý để đưa vào khai thác và phát huy giá trị di sản Hán Nôm, bởi đây là những tư liệu quý trong hành trình lưu giữ giá trị di sản văn hóa lịch sử.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, gần nửa triệu trang tư liệu Hán Nôm được sưu tầm và số hóa là con số ấn tượng, tuy nhiên vẫn chưa đủ bởi hệ thống di sản Hán Nôm lưu truyền tại các làng xã, tư gia, họ tộc còn đồ sộ.
Ngoài việc tiếp tục đi sâu khảo sát, số hóa, tỉnh cần xây dựng một chương trình để phiên âm, đánh giá, lựa chọn những tư liệu có giá trị để dịch và giới thiệu theo từng đề mục.
Đáng chú ý, những tư liệu Hán Nôm đã số hóa, phần lớn vẫn nằm trong kho lưu trữ, công chúng và giới nghiên cứu chưa thể tiếp cận. Ngành văn hóa cần xem xét lập dự án hướng đến khai thác tốt hơn nguồn tư liệu này; về lâu dài tiến tới thành lập Trung tâm Tư liệu Hán Nôm Huế để đáp ứng nhu cầu học thuật, nghiên cứu và quảng bá giá trị di sản Hán Nôm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết, thời gian tới, Thư viện Tổng hợp tỉnh cần chủ động sưu tầm, số hóa, khai thác và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm một cách tốt nhất; kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế thư viện với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại; tổ chức đào tạo cán bộ thư viện, hình thành đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực Hán Nôm để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khai thác, giới thiệu và quảng bá về di sản độc đáo này.
Ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh, hiện nay di sản Hán Nôm không chỉ ở Huế mà còn nằm rải rác khắp nơi trên thế giới; vì vậy cần có chiến lược cụ thể và sự đầu tư thích đáng để "hồi hương" những di sản này.
Di sản Hán Nôm là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất cố đô Huế, đồng thời cũng là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho các thế hệ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc.