Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung: Nhận thức chung và thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nhìn từ quản trị vùng và địa phương; kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam và tỉnh Ninh Bình trong quản trị mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, đóng góp thêm những luận cứ khách quan, khoa học, những bài học kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách để Ninh Bình thực hiện thành công các mục tiêu đề ra; đồng thời, góp phần tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn, đề xuất với Trung ương ban hành chủ trương, chính sách phù hợp.
Ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, Ninh Bình - vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững. Cách đây hơn 3 vạn năm, Ninh Bình từng là nơi cư trú của người tiền sử. Thế kỷ X nơi đây được chọn làm quốc đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Ninh Bình sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di sản kép đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tỉnh có gần 2.000 di tích và danh thắng, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống… Đây là những giá trị căn cốt của không gian văn hóa Cố đô xưa, được người dân Ninh Bình các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, phát huy trong suốt hành trình lịch sử của vùng đất, dân tộc là tiềm năng, nguồn lực và động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Xác định di sản là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình coi trọng đầu tư các nguồn lực cho văn hóa, chủ động tích cực thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh không ít mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi các cấp chính quyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế chính sách, mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng, trong nước, quốc tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, xã hội.
Đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, cách tiếp cận về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa sát với thực tiễn; chưa có những đầu tư xứng đáng cả về kinh phí lẫn nguồn lực để phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa một cách xứng đáng.
Điều đó dẫn đến việc có thể phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa tốt nhưng lại chưa khai thác được giá trị kinh tế - xã hội của chúng; hoặc ngược lại, có thể tạo ra những giá trị kinh tế cao nhưng lại gây tổn hại đến các di sản văn hóa khi bị khai thác quá mức; hay phục dựng, bảo tồn không phù hợp với tính chất của một di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội chưa được đặt trong các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, của vùng.
Điều này đòi hỏi từ phương diện quản trị vùng và địa phương phải có quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa chúng, nhằm phản ánh quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước; giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế nói chung, giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nói riêng; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của phát triển địa phương, liên kết vùng trong tổng thể phát triển quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, với Ninh Bình, việc kết nối, học tập kinh nghiệm, thống nhất quan điểm và hành động với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh "hàng xóm" có ý nghĩa rất quan trọng.
Hội thảo là dịp để các triết gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản trị cùng nhau thảo luận, tìm đến các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, phát huy các di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.