Cùng chung tay góp sức
Nghề chằm nón ngựa có tuổi đời hơn 300 năm, tạo ra sản phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định. Nón ngựa Phú Gia là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc. Với hoa văn tinh xảo, sang trọng được chế tác dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý - điểm đặc trưng mà ít nơi nào có, sản phẩm này được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng, đặt mua làm quà lưu niệm khi tới thăm quê hương “đất võ, trời văn”.
Những ngày này, về làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường (cách thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về phía Bắc), tiếng nói cười rộn rã vang khắp chốn. Ông Đỗ Văn Lan, người có thâm niên trong nghề chằm nón ngựa phấn khởi cho biết, sau ngày đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (ngày 12/9), số lượng người tập trung về nhà ông tham quan, trải nghiệm khá đông, tăng đáng kể so với những năm trước.
Doanh thu cũng tăng mạnh nhờ việc bán chạy các sản phẩm nón ngựa do gia đình làm ra. Có thời điểm, nguồn cầu trội hơn cung, không thể đáp ứng kịp. Điều đó khiến ông rất vui mừng bởi không nghĩ rằng, giờ đây nghề truyền thống lại nức tiếng đến vậy, như được dệt nên “trang sử” mới. Được hưởng thành quả to lớn, ông Lan cùng hàng trăm hộ hành nghề khác trong xã cùng tâm nguyện chung sức để thúc đẩy nghề phát triển mạnh hơn. Tâm huyết ấy đã phần nào chạm tới “trái tim” của những người trẻ.
Vừa tranh thủ đan sườn mê - một trong những công đoạn chính của nghề chằm nón ngựa, chị Đỗ Thị Như Nguyệt vừa bộc bạch: thời ông cha đã chọn nó làm sinh kế thì tới đời tôi cũng vậy, phải cố công gìn giữ bằng mọi giá. Với tất cả niềm đam mê, tôi đã không ngần ngại theo học bác Lan để nâng cao kỹ năng, hoàn thiện tay nghề. Tôi hi vọng rằng, một ngày nào đó, sẽ được góp sức mình vào hành trình đưa nón ngựa Phú Gia bay cao, vươn xa cùng dân làng.
Tận mắt chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của học trò, ông Lan vui như “mở cờ trong bụng”. Điều khao khát nhất đối với ông lúc này là được nhà nước quan tâm, xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú để ông có thêm cơ hội truyền dạy nghề cho đông đảo con em trong vùng, tạo lớp kế cận giúp nghề bền vững hơn trong tương lai. “Các cấp ngành, chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ về kinh phí hoạt động, cần đầu tư xây dựng nhà trưng bày để người dân có nơi trưng bày sản phẩm nón ngựa do mình làm ra”- ông Đỗ Văn Lan mong muốn.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh thông tin, làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia ngày càng phát triển, trở thành một điểm đến trải nghiệm thú vị. Thống kê trong 10 tháng năm 2024, làng nghề đã đón hơn 2.500 lượt khách đến khám phá, đa số đều bày tỏ sự yêu thích.
Theo ông Thanh, Sở đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các tour về với làng nghề Phú Gia bởi làng nghề này có vị trí khá thuận lợi, nằm trên cung đường du lịch nổi tiếng của tỉnh (Nhơn Hội - Cát Tiến).
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Phù Cát tăng cường công tác quảng bá sản phẩm nón ngựa, tổ chức lại quá trình hoạt động, sản xuất theo hình thức liên kết, tập trung, có quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm nhiều hơn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương; đồng thời, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến đây.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, định hướng trong thời gian tới, Sở sẽ cùng UBND huyện Phù Cát, các ngành liên quan xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy nghề chằm nón ngựa Phú Gia để đạt được mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể cũng như tạo ra điểm đến độc đáo, hấp dẫn.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở sẽ triển khai có hiệu quả một số chính sách đối với làng nghề; phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ khoa học cho các nghệ nhân có đủ điều kiện theo quy định, trình cấp có thẩm quyền công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân nhằm góp phần khích lệ tinh thần đối với các nghệ nhân, phát huy việc trao truyền nghề chằm nón ngựa giữa các thế hệ”- ông Huỳnh Văn Lợi nói.