Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault trong một phát biểu mới đây nhấn mạnh cần từ bỏ ngay quan điểm thiếu cứng rắn đối với xuất khẩu rác thải nhựa. Ông nhấn mạnh: “Tôi rất lo lắng về điều đó và tôi nghĩ rõ ràng chúng ta phải làm tốt hơn nữa”.
Hồi năm 2019, hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa của Canada đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi các lô rác được dán nhãn nhựa để tái chế đã ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Philippines. Vụ việc này đã trở thành tâm điểm trên thị trường buôn bán rác thải toàn cầu, trong đó chủ yếu các quốc gia giàu có đưa rác đến các nước đang phát triển, nơi rác thải thường được chôn lấp hoặc bị đốt, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe con người.
Sau vụ việc trên, Chính phủ Canada thông báo sẽ làm việc với Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada để ngừng xuất khẩu nhựa bẩn và nhất trí với những sửa đổi trong Công ước Basel của Liên hợp quốc (LHQ) về chất thải nguy hại. Trên nguyên tắc, điều này có nghĩa là sau ngày 1/1/2021, Canada chỉ được xuất khẩu rác thải sang các thành viên khác trong công ước này và những hoạt động xuất khẩu như vậy cần được sự chấp thuận của quốc gia nhập khẩu và xác nhận về cách xử lý chất thải. Tuy nhiên, vài tháng trước khi các điều khoản sửa đổi của Công ước Basel có hiệu lực, Canada đã ký một thỏa thuận với Mỹ cho phép lưu thông tự do rác thải nhựa giữa hai bên, mặc dù Mỹ không phải là thành viên trong Công ước Basel.
Bà Kathleen Ruff, người đứng đầu tổ chức vận động chống xuất khẩu chất thải nguy hại (Right On Canada) đánh giá thỏa thuận trên là “một lỗ hổng khổng lồ vi phạm Công ước Basel", trong đó cho phép Canada xuất khẩu một lượng lớn rác thải nhựa và các loại rác thải khác sang Mỹ mà không có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn rác thải, sau đó được chuyển đến các nước đang phát triển. Trong 12 tháng sau khi các điều khoản sửa đổi trong công ước Basel có hiệu lực, lượng rác thải nhựa xuất khẩu của Canada đã tăng 13% lên 170 triệu kg, tương đương trọng lượng 17 tỷ chai nhựa loại nửa lít. Đáng chú ý, lượng rác nhựa của Canada xuất sang Mỹ ở mức 158 triệu kg, tăng 16% so với năm 2020.