Bảo vệ người cao tuổi an toàn trên môi trường số

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong những năm gần đây, tình trạng lừa đảo nhằm vào người già ở Việt Nam ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn.
Bảo vệ người cao tuổi an toàn trên môi trường số

Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi, đánh vào tâm lý yếu đuối, sự thiếu hiểu biết về công nghệ của người cao tuổi. Nhiều cụ già đã bị lừa mất số tiền cả đời chắt chiu, tích cóp, thậm chí có trường hợp mất tới hàng tỷ đồng. Đây là vấn đề nghiêm trọng cần được xã hội quan tâm, giải quyết kịp thời.

Nạn nhân mới của những trò lừa đảo cũ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) chỉ ra các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất ở Việt Nam gồm: giả danh người thân cần mượn tiền; lừa nâng cấp lên 4G, 5G để chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại, từ đó đánh cắp tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng; lừa cài đặt phần mềm giả danh cơ quan thuế, ứng dụng định danh điện tử; giả nhân viên ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan công quyền để lấy thông tin tài khoản người dùng; lừa đảo qua Zalo, Wechat, dẫn dụ yêu cầu chuyển khoản để mua hàng rồi chặn liên lạc; kêu gọi đầu tư tài chính, đa cấp, giao dịch ngoại hối, tiền ảo, tiền số, mua hàng, trúng thưởng.

Đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị L., 68 tuổi (tại Hà Nội), đã bị lừa mất 100 triệu đồng qua mạng xã hội Facebook. Một kẻ lừa đảo đã giả danh là con trai bà, thông báo rằng đang gặp khó khăn tài chính và cần gấp một khoản tiền lớn để giải quyết. Bà L. tin tưởng, chuyển khoản ngay lập tức mà không kiểm tra lại thông tin.

Nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo sử dụng các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để kết bạn, trò chuyện và sau đó đề nghị người già chuyển tiền với lý do khẩn cấp, như: chữa bệnh, đầu tư hoặc giúp đỡ người thân. Tháng 12/2023, ông Trần Văn M., 72 tuổi, nhận được tin nhắn trên Zalo từ một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo rằng tài khoản của ông có giao dịch bất thường và yêu cầu cung cấp mã OTP để xác nhận. Tin tưởng vào thông tin này, ông M. đã cung cấp mã OTP và sau đó phát hiện ra số tiền 150 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút hết...

Đã vài tháng trôi qua, nhưng bà T.T.Th. (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị lừa cài đặt ứng dụng VNeID và mất 60 triệu đồng. Ngày 1/3, bà nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu bà cài đặt VNeID để kích hoạt định danh mức 2.

Vì gần đây bà có làm căn cước công dân và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 trên điện thoại, bà không nghi ngờ. Người đàn ông hướng dẫn bà truy cập vào trang web "dichvucong.bvgov.com" để tải ứng dụng VNeID, tạo tài khoản và đăng nhập. Chỉ vài phút sau, bà nhận được thông báo rằng tài khoản ngân hàng của mình đã bị chuyển 60 triệu đồng. Chồng bà tá hỏa đưa bà đến Công an quận Bình Thạnh để trình báo sự việc.

Những trò lừa đảo này không mới nhưng mỗi năm vẫn có rất nhiều người cao tuổi bị các đối tượng lừa đảo. Những vụ lừa đảo này không chỉ gây tổn thất tài chính, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của người già. Các chuyên gia tâm lý học cho biết, sau khi bị lừa, nhiều người già rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm và mất niềm tin vào xã hội. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất, sự tổn thương tâm lý do bị lừa đảo có thể kéo dài, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu và stress.

Theo thống kê năm 2023, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo chiếm tới 73%. Các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân. Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, trước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đã xác định đây không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Năm 2023, A05 đã phát hiện hơn 3.500 vụ việc lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Bảo vệ người già trước nạn lừa đảo

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, người cao tuổi (55 tuổi trở lên) là một trong những nhóm người sử dụng internet tích cực, chiếm gần 20% tổng dân số sử dụng internet. Họ cũng là những đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng. Mặc dù vậy, hiện nay chưa có chương trình hay nội dung chính thức nào về "kiến thức số" hay "an toàn trực tuyến" dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam.

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về công nghệ của người già. Họ thường không nắm vững các kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại, dễ tin tưởng vào thông tin kẻ gian cung cấp. Sự thiếu hiểu biết này tạo ra kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, người già thường có tâm lý yếu đuối, dễ bị hoảng sợ, mất cảnh giác trước những thông tin đe dọa hoặc khẩn cấp do kẻ lừa đảo cung cấp - điều này khiến họ dễ dàng bị dụ dỗ và mắc bẫy.

Một nguyên nhân khác là nhiều người già sống một mình hoặc thiếu sự giám sát, hỗ trợ từ gia đình. Sự thiếu quan tâm này khiến họ dễ trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo. Theo số liệu thống kê, người già sống một mình chiếm tỷ lệ cao trong số các nạn nhân bị lừa đảo. Họ thường thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Những người ít sử dụng hoặc không hiểu rõ về công nghệ thường dễ bị lừa đảo qua các phương thức trực tuyến.

Để phòng, chống lừa đảo trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức để tự bảo vệ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai các biện pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này nhằm hạn chế tình trạng sim rác, tài khoản ngân hàng bị mua bán mà người sử dụng không phải chính chủ, áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với những giao dịch, chuyển tiền ngân hàng nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch chuyển dòng tiền vi phạm pháp luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phòng, chống tình trạng lừa đảo nhằm vào người già, việc nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Gia đình, cộng đồng cần thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin về các chiêu trò lừa đảo để người già nhận biết, đề phòng. Các cơ quan chức năng cần tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo để hướng dẫn người già về cách bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa.

Tăng cường bảo mật cũng là một biện pháp hiệu quả. Các ngân hàng, công ty viễn thông cần nâng cao các biện pháp bảo mật, cảnh báo sớm cho người sử dụng về các chiêu trò lừa đảo mới. Người già nên sử dụng các dịch vụ bảo mật mạnh mẽ và thường xuyên kiểm tra tài khoản cá nhân. Gia đình cần dành thời gian quan tâm, trò chuyện và hướng dẫn người già về các nguy cơ lừa đảo. Sự quan tâm, bảo vệ của gia đình là yếu tố quan trọng giúp người già tránh được các rủi ro.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.